Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới
21 | 09 | 2022
Mới đây, tờ The Star (Malaysia) đưa tin cà phê của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới, với thị phần 14,2%.

Nguồn vietnam.vn

Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới

Báo dẫn thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết Việt Nam đã xuất khẩu hơn 112 nghìn tấn cà phê trị giá 266 triệu USD trong tháng 8, tăng 13% về giá trị. Tính tổng trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã mang về 2,8 tỷ USD từ xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê, tăng lần lượt 40% về giá trị và 11% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cà phê là một trong sáu mặt hàng thu về tiền tệ chính với doanh thu hàng năm trên 3 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, các thị trường chính của Việt Nam là Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Anh. Ở châu Âu, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai với thị phần 16,1%, sau Brazil với 22,2%.

Hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở sản xuất cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm. 

Cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu. Đến tháng 11, tháng 12 năm nay mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022 – 2023. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm thì cả năm 2022 ngành cà phê vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích thị trường, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào, các hiệp định thương mại tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá cà phê xuất khẩu nhiều khả năng duy trì ở mức cao.

Việc đa dạng thị trường trong bối cảnh nào vẫn sẽ là hướng đi tích cực giúp Việt Nam mở rộng cơ hội cho nông sản. Không chỉ châu Á, các nước châu Âu cũng rất ưa chuộng cà phê Việt Nam. Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cà phê khởi sắc là do cà phê robusta của Việt Nam được khách hàng đánh giá cao, có sức cạnh tranh so với các nhà cung cấp lớn khác như Brazil, Ấn Độ, Nam Mỹ, Colombia…

Thị trường EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất, chiếm hơn 16% thị phần.

Đặc biệt, với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại đây là rất tiềm năng. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê phát triển như gia tăng dân số tiêu thụ cà phê ngoài gia đình, đô thị hóa nhanh chóng, tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử, tăng sở thích cà phê hòa tan, nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê đặc sản và tăng tiêu thụ cà phê nhân ở các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường.

Theo các chuyên gia cà phê, để nhanh chóng tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam phải tổ chức sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn châu Âu; đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất. Cơ cấu xuất khẩu cà phê của Việt Nam có sự thay đổi, giảm xuất khẩu cà phê nhân thô, đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan.



Báo cáo phân tích thị trường