Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa cây mía ở Hoà Bình xuất khẩu ra thị trường thế giới
17 | 10 | 2022
Nhằm nâng cao giá trị lợi nhuận của cây mía, tỉnh Hoà Bình đã có nhiều các giải pháp đưa cây mía ăn tươi xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trên thế giới.

Nguồn laodong.vn

Những ngày tháng 10, các hộ dân trong Hợp tác xã (HTX) mía Tùng Dương (xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc) đang thực hiện những khâu chăm sóc cuối cùng để chuẩn bị cho thu hoạch. 

Anh Bùi Hoàng Long - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Hiện nay, tổng diện tích mía của HTX có 20ha, chủ yếu là mía tím nổi tiếng của Tân Lạc, Hòa Bình. Mới đây, khi biết được sản phẩm mía ăn tươi chuẩn bị được xuất khẩu bà con ai cũng phấn khởi".

Theo anh Long, hiện nay, để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng với những yêu cầu khắt khe từ phía đối tác, HTX đã hướng dẫn người dân canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quán triệt các hộ đảm bảo thời gian ngưng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước thời gian thu hoạch từ 4-5 tháng để đảm bảo dư lượng thuốc có trong cây mía không vượt quá ngưỡng cho phép" - đại diện HTX nói thêm.

Công ty TNHH Thương mại Tiến Ngân (phường Dân Chủ, TP.Hòa Bình) là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến thời điểm này chế biến và đưa cây mía ra thế giới. 

Ông Nguyễn Lê Điệp - Giám đốc công ty cho biết: "Ngoài tỉnh Hòa Bình, hiện các giống mía này rất ít có ở các tỉnh thành phía Bắc khác, do vậy việc phát triển những vùng sản xuất tập trung 2 giống mía này trở thành lợi thế của Hòa Bình".

Nói về những khó khăn trong quá trình chế biến và đưa sản phẩm mía ăn tươi ra thị trường thế giới, theo ông Điệp, hiện nay mía tím Hòa Bình dù rất ngon nhưng thời gian bảo quản thấp. Bên cạnh đó, nhiều thị trường lại ưa chuộng mía trắng ép nước.

Đặc biệt, theo thống kê, hiện nay diện tích mía trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhu cầu khách hàng cũng rất cao mà năng lực sản xuất của công ty có hạn nên phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. 

"Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới có sự đồng hành của chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp để cùng bắt tay đưa sản phẩm mía Hòa Bình ra thị trường quốc tế" - đại diện doanh nghiệp cho hay.

Thông tin từ doanh nghiệp cho biết, trong niên vụ 2020 - 2021 là năm đầu tiên công ty xuất khẩu mía đã  gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đã có gần 80 tấn mía được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Châu Âu.

Dự kiến trong niên vụ năm 2021 - 2022, công ty sẽ xuất khẩu từ 300-500 tấn mía sang thị trường các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hòa Bình cho biết: "Theo số liệu thống kê năm 2021, tổng diện tích canh tác mía toàn tỉnh 7.130 ha, năng suất bình quân 72 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 513.185 tấn. Trong đó mía ăn tươi đạt 6.053 ha (chiếm khoảng 85% diện tích), sản lượng ước đạt trên 430 nghìn tấn".

Theo ông Yến, giai đoạn từ 2015 đến nay, diện tích mía ăn tươi hàng năm khá ổn định, từ 6.000 – 6.500 ha. Một số địa phương có diện tích mía ăn tươi lớn gồm: Cao Phong (2.450 ha), Tân Lạc (1.042 ha), Lạc Sơn (856,4 ha), Yên Thủy (492,2 ha).



Báo cáo phân tích thị trường