Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
'Năm nay sẽ không có chuyện đơn hàng hồ tiêu cấp tập như năm ngoái'
22 | 03 | 2023
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết với những biến động phức tạp ở thị trường thế giới các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ theo dõi sát thị trường với thái độ khá dè dặt. Do đó, năm nay không có chuyện đơn hàng cấp tập như những năm trước.

Hàng ra "nhỏ giọt" ngay cả giữa vụ thu hoạch 

Trong 3 tháng đầu năm nay, giá tiêu tăng mạnh ngay cả khi đang trong vụ thu hoạch. Theo đó, tính đến ngày 20/3, giá tiêu tăng 6.600 đồng/kg (tương đương 10%) so với đầu tháng 1 lên khoảng 65.000 - 67.000 đồng/kg. 

 Tổng hợp: H.Mĩ

Trao đổi với người viết, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam giải thích, về nguyên lý, nguồn cung thời điểm hiện tại sẽ khá dồi dào vì đang trong thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay, thu hoạch tiêu chậm, tính trung bình cả nước mới chỉ thu hoạch 50 - 60% lượng tiêu của niên vụ 2022 - 2023. 

“Năm nay giá nhân công thu hái cao hơn rất nhiều so với mọi năm. Ví dụ những năm trước, tiền thuê nhân công khoảng 250.000 - 300.000 đồng /công nhưng năm nay giá đó không thể thuê. Thậm chí, người dân trả cao hơn cũng không có người hái. Do đó, năm nay các hộ tự hái, thu hoạch đến đâu, bán đến đó, chưa kể bà con mất thêm thời gian phơi sấy nên tốc độ hàng ra thị trường “nhỏ giọt”. Điều này ảnh hưởng đến chuyện nếu có đơn hàng lớn thì doanh nghiệp cũng không thể mua số lượng lớn”, bà Liên nói.

Ngoài ra, bà cho biết thêm năm nay nhiều diện tích trồng tiêu cũng chuyển sang mục đích trồng các cây khác nên tổng diện tích tiêu cũng bị thu hẹp. Qua sự sàng lọc của thị trường, trong nhiều năm qua cũng có những vùng trồng chuyển theo hướng bền vững. 

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), một yếu tố khác giúp thúc đẩy giá tiêu trong nước là Trung Quốc mua hàng trở lại sau một năm đóng cửa nền kinh tế vì đại dịch COVID-19. 

Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero COVID” xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 20.498 tấn, giảm 46,4% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong 5 năm.

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 40.814 tấn hồ tiêu trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch 128,6 triệu USD, tăng 33% (10.138 tấn) về lượng nhưng giảm 9% tương đương 12,7 triệu USD về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Trong đó, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam với 10.209 tấn, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng một nửa lượng tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.

Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu tiêu của Việt Nam theo đó đã tăng lên mức 25% so với khoảng 4% của cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng trong tháng 2, khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 với 8.485 tấn, tăng 392,2% so với tháng 1 và chiếm 30,1% thị phần xuất khẩu.

 Số liệu:Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

Giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (cuối tháng 1 - đầu tháng 2), một số thương nhân Trung Quốc bán ngược tiêu vào Việt Nam trong bối cảnh thị trường trong nước thời điểm đó trầm lắng.

“Câu chuyện thương nhân Trung Quốc bán ngược tiêu vào Việt Nam để tác động lên giá đã xảy nhiều năm qua và xảy ra một số bộ phận nhà buôn nhằm “lướt sóng” thu lợi trong ngắn hạn. Thông thường mua sẽ đột ngột mua một lượng lớn để đẩy giá lên rồi bán ngược trở lại hoặc đột ngột dừng mua để đẩy giá xuống. Điều này xảy ở một bộ phận thương nhân Trung Quốc chứ không phải tất cả và chúng ta không thể loại bỏ.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng từng va vấp nhiều và đã quen với điều này, không bị cuốn theo. Nếu thấy giá lên các doanh nghiệp vẫn bình tĩnh theo dõi xem đơn hàng có nhiều lên không? Chứ không phải thấy giá lên mà người ta bị cuốn vào, càng thu mua nhiều khiến giá càng đẩy lên thêm”, bà Liên nói. 

Nhu cầu yếu - mối lo lớn nhất ở thời điểm hiện tại 

Theo bà Liên, yếu tố đang lo nhất thời điểm hiện tại chính là tác động của suy thoái kinh tế tác động lên nhu cầu tiêu. Môi trường kinh doanh năm 2023 được cho là không thuận lợi khi nền kinh tế đi xuống và căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc. Ngoài ra, những biến động tại ngân hàng SVB hay Credit Suise thời gian quan đã ảnh hưởng dây chuyền hệ thống thanh toán quốc tế và khả năng tài chính, tín dụng của các công ty mua hàng. 

“Hiện vẫn chưa thấy rõ tác động đối với ngành tiêu bởi sẽ mất thời gian để “ngấm”. Nhưng về lâu dài nếu không ngăn chặn được sự sụp đổ domino của hệ thống ngân hàng quốc tế, tôi cho rằng ảnh hưởng đối với những nhà thu mua tiêu trên thế giới là rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ theo dõi sát thị trường với thái độ khá dè dặt. Theo tôi, năm nay không có chuyện đơn hàng cấp tập như những năm trước”, bà Liên cho biết. 

Theo thông lệ, trong quý I, các doanh nghiệp sẽ lo trả nợ đơn hàng đã ký trong quý IV của năm ngoái và đồng thời ký tiếp các hợp đồng mới. Những hợp đồng này buộc phải giao trong quý II trở đi. 

Tuy nhiên, chuyện suy thoái kinh tế đều ảnh hưởng chi tiêu của người dân trên thế giới. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm ăn hàng kéo theo lượng tiêu thụ tiêu cũng sẽ giảm theo. 

Trên thực tế, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng tốt về lượng trong hai tháng đầu năm nhưng giá tiêu xuất khẩu trung bình khoảng 3.177 USD/tấn, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 9%. Trong đó, riêng trong tháng 2, giá tiêu chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, khoảng 3.006 USD/tấn.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

"Về dài hạn, giá tiêu có thể tăng. Chu kỳ biến động của giá tiêu mất khoảng 7 - 10 năm. Chu kỳ giảm giá của cây tiêu Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2016 đến nay là 7 năm và sẽ sớm có sự điều chỉnh lên trở lại", bà Liên nói. 



Báo cáo phân tích thị trường