Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gỡ khó cho doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều từ châu Phi
31 | 05 | 2023
Do doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều phục vụ xuất khẩu từ các nước châu Phi, nhưng những quốc gia này không nằm trong danh sách được xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam, nên lượng nguyên liệu điều không thể chuyển tiêu thụ nội địa một khi thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Nhập nguyên liệu tiêu thụ tại thị trường nội địa nhưng không khai báo

Liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hạt điều phục vụ sản xuất xuất khẩu, theo chia sẻ của một lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, qua công tác kiểm tra sau thông quan, thời gian qua cơ quan hải quan đã phát hiện một số trường hợp DN tự ý đưa nguyên liệu nhập theo loại hình sản xuất xuất khẩu vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều gặp khó trong chuyển tiêu thụ nội địa. Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều gặp khó trong chuyển tiêu thụ nội địa. Ảnh minh họa

Thậm chí có trường hợp DN tự ý tiêu thụ hơn 8.000 tấn điều phế phẩm, nhưng không khai báo với cơ quan hải quan, gian lận thuế gần 11 tỷ đồng. Khi bị cơ quan hải quan phát hiện, lãnh đạo DN này giải trình; Công ty nhập khẩu 100 tấn điều thô theo loại hình E31 (nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế giá trị gia tăng), nhưng chỉ sản xuất được 24 tấn điều nhân, trong đó 17 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

7 tấn còn lại công ty muốn chuyển loại hình từ sản xuất xuất khẩu sang nhập tiêu thụ nội địa nhưng không được. Bởi DN đã liên hệ với cơ quan an toàn thực phẩm nhưng không được giải quyết.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trên thực tế, số lượng DN nhập khẩu nguyên liệu điều phục vụ xuất khẩu vi phạm tiêu thụ nội địa là khá nhiều, đặc biệt là từ các quốc gia châu Phi. Một loạt các DN sai phạm do Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công phát hiện trong thời gian gần đây phần lớn rơi vào các trường hợp này.

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, các DN này có thị trường xuất khẩu ổn định. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, do tình hình khó khăn chung trên thế giới, các DN gặp khó khăn trong việc tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm, Trung Quốc lại đóng biên kéo dài nên việc xuất khẩu bằng đường bộ cũng không thực hiện được.

Do mặt hàng điều nếu để lâu sẽ kém chất lượng và không sử dụng được, DN lại không thể chuyển tiêu thụ nội địa được do không được kiểm tra an toàn thực phẩm, nên đã dẫn đến tình trạng, một số DN thực hiện hành vi tự ý tiêu thụ vào thị trường trong nước để giảm thiểu thiệt hại và thu hồi vốn.

Đề xuất cho phép kiểm tra chuyên ngành nếu chuyển tiêu thụ nội địa

Theo quy định, khi các DN đăng ký nhập hạt điều thô làm nguyên liệu sản xuất xuất khẩu để được hưởng chính sách về thuế và một số chính sách ưu đãi khác, kể cả quy định về kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp DN còn hạt điều thô là nguyên liệu nhập khẩu hoặc có thành phẩm là hạt điều nhân được sản xuất từ nguồn nhập khẩu mà muốn chuyển loại hình sang tiêu thụ tại Việt Nam, thì phải thực hiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu.

Gỡ khó cho doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều từ châu Phi
Làm thủ tục thông quan tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn.

Theo đó, cả DN và cơ quan hải quan phải chiếu theo danh mục mà Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) công bố danh sách các nước được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam (đến thời điểm hiện nay là 48 nước).

Tuy nhiên, các nước châu Phi nơi DN nhập khẩu nguyên liệu lại không nằm trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức, cá nhân được xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam (Công văn số 906/BVTV-ATTPMT ngày 5/4/2018 của Cục Bảo vệ Thực vật), nên cơ quan kiểm tra chuyên ngành không tiếp nhận kiểm tra đối với các trường hợp này.

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, việc không được chuyển mục đích đăng ký sử dụng đối với nguyên liệu nhập để sản xuất xuất khẩu (hạt điều thô, điều nhân sơ chế, điều nhân sót lụa...) có xuất xứ từ một số nước châu Phi là khó khăn đáng lưu ý của các DN sản xuất xuất khẩu mặt hàng hạt điều tính đến thời điểm hiện tại.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN đối với những tình huống phát sinh này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất giải pháp, đó là đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cho DN đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm khi DN có nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng đối với mặt hàng điều xuất xứ châu Phi, nhằm giải thiểu thiệt hại một khi thị trường xuất khẩu của DN gặp khó./.



Báo cáo phân tích thị trường