Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tỷ phú khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp
14 | 07 | 2023
Sau nhiều lần thất bại, với tinh thần chịu khó học hỏi và tìm tòi, anh Nguyễn Xuân Tuấn ở tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã thành công trong việc khởi nghiệp từ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và được vinh danh là một trong những nông dân tiêu biểu.

Nguồn: nhandan.vn

Những gốc đào thất thốn đã giúp anh Nguyễn Xuân Tuấn thu về hơn hai tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Những gốc đào thất thốn đã giúp anh Nguyễn Xuân Tuấn thu về hơn hai tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn, anh Nguyễn Xuân Tuấn chỉ tay về những gốc cây ăn quả và vườn đào cảnh kể lại: “Tôi quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội lên Mộc Châu khởi nghiệp năm 2006.

Thời điểm này, bố tôi là người đã khơi dậy trong tôi đam mê làm nông nghiệp, để rồi sau đó tôi đã gắn bó, làm ăn trên cao nguyên Mộc Châu”.

Gia đình anh Tuấn là hộ dân đầu tiên nghiên cứu và ghép thành công giống hồng giòn Fuyu của Nhật Bản với giống hồng bản địa. Năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận giống hồng Mộc Châu của gia đình anh Tuấn, lấy tên là giống MC1 và cho phép sản xuất thử ở nhiều địa bàn có điều kiện tương tự như Mộc Châu.

Hiện nay, gia đình anh Tuấn có một héc-ta trồng hồng giòn cho 25 tấn quả/năm. Với giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu hơn 700 triệu đồng. Cũng từ nguồn giống hồng giòn đầu dòng, gia đình anh Tuấn đã cung cấp giống cho hàng nghìn hộ dân trong và ngoài huyện với hơn 100ha hồng giòn đang mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Cùng với trồng hồng giòn, năm 2006, anh Tuấn bàn với gia đình trồng thêm 1.000 cây đào thất thốn để phục vụ nhu cầu của người dân vào dịp Tết Nguyên đán. Từ năm 2010 đến nay, vào mỗi dịp Tết, gia đình anh Tuấn lại chở đào về Hà Nội để cho thuê, sau rằm tháng Giêng lại chở về Mộc Châu để chăm sóc.

Hiện nay, gia đình anh Tuấn có 1.500 gốc đào, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, gia đình cho thuê 200 cây với giá từ năm triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Với đam mê, sáng tạo trong nông nghiệp, sau một lần mua sản phẩm đông trùng hạ thảo về cho người thân dùng, thấy giá cao, lại không yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ, anh Tuấn đã quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu sản xuất sản phẩm này.

Sau nhiều lần thất bại, thậm chí có lúc còn muốn bỏ ngang, nhưng đến cuối năm 2016, lứa đông trùng hạ thảo đầu tiên của anh Tuấn đã thành công và bán ra thị trường với hai dòng sản phẩm là đông trùng hạ thảo sấy khô và đông trùng hạ thảo ngâm mật ong. Cùng với đó, anh cũng đã đầu tư gần một tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng, gồm các phòng nuôi, phòng chờ cấy và ngủ đông, phòng phân lập và cấy giống có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại.

Cũng trong năm 2019, anh Tuấn đã đăng ký thành lập Hợp tác xã đông trùng hạ thảo Mộc Châu. Đến năm 2020, hai sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô và đông trùng hạ thảo ngâm mật ong của hợp tác xã đã được chứng nhận OCOP tiêu chuẩn ba sao. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã nuôi cấy được 20.000 hộp tươi.

Sau đó sấy khô bằng phương pháp thăng hoa, là phương pháp hiện đại dùng nhiệt độ lạnh để sấy khô vẫn giữ nguyên mầu sắc, hàm lượng dinh dưỡng và các hoạt chất quý.

Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường các sản phẩm đông trùng hạ thảo khô, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong và giống, mang lại doanh thu hơn hai tỷ đồng.

Không dừng ở những thành công, hiện tại anh Nguyễn Xuân Tuấn vẫn đang tích cực nghiên cứu, sản xuất thêm những giống cây trồng mới có chất lượng, không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn hướng dẫn, hỗ trợ bà con các hộ nông dân khác trên địa bàn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất cao nguyên Mộc Châu.



Báo cáo phân tích thị trường