Nguồn: baotintuc.vn
Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên) cho biết, trước đây có những giai đoạn giá hồ tiêu tăng cao, việc phát triển ồ ạt của nông dân về diện tích dẫn đến phá vỡ mọi quy hoạch. Người dân đã sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật làm cho các vườn hồ tiêu bị thoái hóa đất, dinh dưỡng trong đất bị rối loạn. Khi mới sử dụng phân bón hóa học, cây hồ tiêu phát triển rất nhanh, tuy nhiên sau đó là sự hoang hóa đất đai.
Một số vùng đất được ngành chuyên môn khuyến cáo không được trồng hồ tiêu, nhưng người dân vẫn bất chấp xuống giống. Việc phát triển nhanh hồ tiêu cũng khiến chất lượng giống cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do sản xuất giống không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường nên dẫn đến giống kém chất lượng khi người dân sẵn sàng sử dụng bất kỳ giống nào để trồng mà không lường trước được hậu quả về sau.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu, việc sử dụng các loại trụ không đảm bảo chất lượng như trụ gỗ, trụ bê tông cũng là nguyên nhân khiến hồ tiêu chết hàng loạt vào những năm 2018-2019.
Tỉnh Gia Lai rất thận trọng trước bài học đắt giá khi người dân trồng tự phát diện tích lớn đến khi dịch bệnh ập đến không kịp trở tay. Ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra những khuyến cáo đề nghị người dân không nên ồ ạt trồng mà nên phát triển theo hướng bền vững hơn. Cùng với đó, các ngành chức năng cũng đã xây dựng các bộ tài liệu chuẩn về quy trình trồng, chăm sóc hồ tiêu cũng như quản lý dịch bệnh một cách hiệu quả. Đặc biệt là bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất hồ tiêu bền vững của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kinh nghiệm sản xuất của các doanh nghiệp tham gia sản xuất hồ tiêu ở Việt Nam cùng một số kết quả nghiên cứu của Viện khoa học nông nghiệp Tây Nguyên, Cục Bảo vệ thực vật.
Theo đó, về khâu chọn đất, đất trồng tiêu phải có tầng canh tác dày, giàu hữu cơ, độ dốc thoai thoải đảm bảo thoát nước nhanh, nhưng lại không khô hạn trong mùa khô. Đây là nguyên nhân hàng đầu lý giải vì sao có nhiều diện tích trồng tiêu bị bệnh hại nặng trong thời gian vừa qua. Thực tế sản xuất không phải nơi nào cũng có điều kiện lý tưởng để trồng tiêu, đối với khu vực mưa nhiều, mặt đất bằng phẳng thì phải thiết kế hệ thống thoát nước trong mùa mưa tránh bị ngập úng.
Về khâu chọn giống chống chịu sâu bệnh, cần chọn những giống tiêu có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Hiện có rất nhiều giống tiêu đang trồng tại Việt Nam, tuy nhiên tại vùng này có thể phát triển tốt, kháng bệnh khá nhưng vùng khác có thể kháng bệnh kém. Do vậy tùy mỗi địa phương có thể chọn những giống phù hợp nhất để trồng thông qua tuyển chọn, đánh giá những vườn tiêu cho năng suất, chất lượng khá cao và có thời gian trồng trên 10 năm.
Trồng hồ tiêu trên cây trụ sống là một trong những biện pháp canh tác hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững. Cây trụ sống tạo nên ánh sáng nhẹ phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây hồ tiêu. Vườn tiêu hiệu quả nhất khi được xen canh hồ tiêu, sầu riêng, bơ... sẽ tạo hàng rào che chắn gió. Nó còn có tác dụng che bớt ánh sáng bức xạ trực tiếp, tạo môi trường sinh thái hài hòa và tạo thêm thu nhập.
Trong quá trình chăm sóc, người dân nên sử dụng các biện pháp sinh học. Cụ thể, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ tạo điều kiện để nhiều loài thiên địch của sâu bệnh như chuồn chuồn, bọ ngựa, kiến vàng, bọ rùa, nhện bắt mồi hay nấm đối kháng trong đất phát triển mạnh, giúp tiêu diệt nguồn sâu bệnh ngay khi chúng chưa gây hại nặng.
Về việc phòng sâu bệnh, người trồng có thể dùng các phương pháp phòng bằng các chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng trichoderma, xạ khuẩn Streptomyce...; phòng chống tuyến trùng bằng các sản phẩm thảo mộc chứa hoạt chất Saponin, Ankanoid…; phòng chống rệp sáp gốc bằng các chế phẩm nấm ký sinh côn trùng Metarhizium, vi khuẩn Bacillus… Các chế phẩm sinh học trên nên kết hợp với các đợt bón phân cho cây, rắc chế phẩm trong vùng rễ tiêu rồi phủ lớp đất lên, tưới đủ ẩm sẽ góp phần hạn chế nguồn sâu bệnh trong đất, giúp bộ rễ khỏe, cây phát triển bền vững. Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Riêng đối với việc sử dụng hóa học, đây là bước cuối cùng khi đã áp dụng các biện pháp trên nhưng sâu bệnh vẫn phát sinh gây hại và phải bảo vệ năng suất cây trồng. Thuốc hóa học phải ưu tiên sử dụng loại thuốc ít độc hại cho môi trường, thuốc ít tồn tại trong nông sản và mau phân hủy.
Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai các vườn hồ tiêu trồng thuần không còn nhiều, thay vào đó là trồng xen với cà phê và các loại cây ăn quả. Điển hình như ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Đăk Đoa, Chư Prông... Những vườn hồ tiêu trồng xen canh phát triển rất tốt, khác hẳn với những vườn tiêu trồng thuần trước đó.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Lục ở thôn 4, xã Ia H'lốp, huyện Chư Sê trồng xen 1.200 cây hồ tiêu với sầu riêng, cà phê, chanh leo đã gần 20 năm. Cả vườn hồ tiêu phát triển xanh tốt, chất lượng quả ổn định hằng năm. Nhất là giai đoạn hồ tiêu cả tỉnh Gia Lai bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm thì vườn hồ tiêu gia đình ông cũng không bị ảnh hưởng gì.
Theo ông Lục, để cây hồ tiêu phát triển bền vững phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trồng xen canh, chọn các trụ đỡ là những cây sống, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật mà phần lớn dùng phân hữu cơ tự ủ chiết xuất từ đậu nành, bánh dầu và phân lân, phân chuồng.
Bà Võ Thị Tuyết ở làng Hát 2, xã Ia Piar, huyện Chư Prông cũng cho hay, nhờ việc trồng xen canh hồ tiêu với các loại cây như sầu riêng, cà phê và bón phân hữu cơ nên vườn hồ tiêu của gia đình bà cho hiệu quả rất rõ rệt, ít dịch bệnh, năng suất ổn định.
Theo ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, qua nhiều bài học kinh nghiệm, thay vì chọn trồng thuần thì người dân lựa chọ trồng hồ tiêu xen canh, đa canh với cà phê và các loại cây ăn quả. Phát triển hồ tiêu theo hướng trồng xen canh, đa canh sẽ manh tính bền vững, qua đó giảm chi phí đầu tư và hạn chế rủi ro về dịch bệnh, hướng đến nền nông nghiệp an toàn. Khi đó, người dân cũng sẽ không sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trên cây trồng mà thay vào đó là các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ để mang lại sự lâu bền cho vườn cây.