Nguồn: Nongnghiep.vn
Ước tính năm 2024, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt mức kỷ lục 17,3 tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 16,3 tỷ USD, còn lại là lâm sản ngoài gỗ. Giá trị xuất siêu ước ước khoảng 14,4 tỷ USD.
Kỷ lục xuất khẩu năm nay tăng 19,4% so với năm 2023 và tăng hơn 2% so với kỷ lục trước đó, được thiết lập năm 2022. Khi ấy, xuất khẩu lâm sản đạt 16,9 tỷ USD, bao gồm 15,8 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, còn lại khoảng 1,1 tỷ USD là lâm sản ngoài gỗ.
Thông tin chi tiết hơn, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong tháng 12/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,55 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 11/2024 và tăng 15,8% so với 12/2023. Trong đó, riêng sản phẩm gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 7,5% so với tháng 11/2024 và tăng 15,5% so với tháng 12/2023.
Tính chung năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21% so với năm 2023. Riêng sản phẩm gỗ ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2023.
Hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cả năm là mặt hàng ghế khung gỗ. Tính đến hết tháng 11/2024, mặt hàng này đạt 3,1 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiếp theo lần lượt là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt; dăm gỗ; đồ nội thất phòng ngủ; gỗ, ván và ván sàn; đồ nội thất nhà bếp. Tất cả nhóm sản phẩm này đều đạt kim ngạch vượt 1 tỷ USD.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo Cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu tăng cao và hàng tồn kho giảm tại thị trường này.
Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng do các biện pháp bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng tạo ra cơ hội lớn cho sản phẩm gỗ Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam. Những thị trường này không chỉ có nhu cầu cao mà còn đòi hỏi các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, thiết kế và tính bền vững.
Theo số liệu thống kê 11 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Hoa Kỳ đạt 8,2 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3%; Hàn Quốc đạt 722,4 triệu USD, tăng 0,6%; EU đạt 503 triệu USD, tăng 27%...
Trong những ngày cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp đà tăng trưởng. Tính riêng tuần từ ngày 10/12đến 17/12, kim ngạch đạt trên 390 triệu USD, tăng 4,7% so với tuần trước đó. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 250 triệu USD, tăng hơn 2% so với tuần trước.
Mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới một số thị trường chính trong tuần như: Hoa Kỳ đạt 200 triệu USD, tăng 3,8% so với tuần trƣớc; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt gần 9 triệu USD, giảm 4,9%; Hàn Quốc đạt 5,5 triệu USD, tăng 2,7%; Anh gần 5 triệu USD, giảm 11,4%; Canada đạt hơn 4 triệu USD, giảm gần 30%..
Ở chiều nhập khẩu, tính chung 11 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khoảng 5 triệu m3 gỗ nguyên liệu, với trị giá 1,64 tỷ USD, tăng gần 25% về lượng và 18,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Cục Lâm nghiệp nhận định, nhập khẩu gỗ nguyên liệu tăng khi nhu cầu từ các thị trường lớn có nhiều tín hiệu tích cực, tồn kho giảm, trong khi nhu cầu sản phẩm gỗ trên toàn cầu không giảm.
"Sự gia tăng trong xuất khẩu cho thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đang hồi phục và sản phẩm của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế", Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo chia sẻ.