Nguồn: Vneconomy.vn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10/2024 ước đạt 1,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 10 tháng năm 2024 đạt 13,18 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 10 tháng, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55,6%. Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,8%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng 25,9%, thị trường Trung Quốc tăng 25,4%, thị trường Nhật Bản tăng 0,1%.
Trong 15 thị trường xuất khẩu chính, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất tại Tây Ban Nha với mức tăng 63,3%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Đài Loan với mức giảm 1,9%.
PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP NGÀNH GỖ NHIỀU VƯỚNG MẮC
Hiện nay, Cục Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang triển khai phân loại các doanh nghiệp ngành gỗ. Bà Nguyễn Tường Vân - Chuyên gia VPA/FLEGT (thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản), cho biết việc phân loại doanh nghiệp có nhiều lợi ích. Ngoài việc giúp đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ, thì doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong việc hoàn thiện thủ tục hải quan khi xuất khẩu sản phẩm.
Mới đây, Nghị định 120/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã mở rộng đối tượng phân loại doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp trồng, khai thác và cung cấp gỗ rừng trồng, chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu gỗ. Nghị định 120/2024-NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/11/2024.
"Đề nghị việc đánh giá phân loại doanh nghiệp cần có lộ trình, đặc biệt mới những thị trường nhập khẩu nhỏ, thị trường chưa có yêu cầu về phân loại doanh nghiệp hay gỗ hợp pháp".
Ông Trịnh Xuân Dương, Chi hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam.
Phân tích kỹ hơn, bà Vân cho hay ước tính hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hàng triệu lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Cơ quan chức năng của Việt Nam không thể xác minh từng lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ trước khi xuất khẩu. Do đó, thay cho việc xác minh từng lô gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, thì Việt Nam chuyển sang xác minh sự tuân thủ của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của hệ thống Đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).
Trong phân loại, doanh nghiệp đạt tiêu chí Nhóm I là doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trong việc thành lập và hoạt động doanh nghiệp; tuân thủ pháp luật về nguồn gốc gỗ hợp pháp… Sản phẩm gỗ hoàn chỉnh hoặc lâm sản của doanh nghiệp nhóm I khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển sẽ không phải xác nhận Bảng kê lâm sản nữa.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai phân loại doanh nghiệp. Bà Đặng Thị Thái, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Hùng (Hà Nội), cho biết công ty đã nộp hồ sơ và rất tự tin, vì không chỉ đáp ứng đủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, mà còn có đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, thuế cũng đã nộp đủ ở Hà Nội và 2 chi nhánh tại Bắc Ninh và Hưng Yên…
“Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng doanh nghiệp chúng tôi vẫn bị từ chối sau 20 ngày nộp hồ sơ với lý do, doanh nghiệp mới chỉ nộp báo cáo hàng quý cho Hạt kiểm lâm Đông Anh (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) còn chưa nộp báo cáo quý cho Hạt kiểm lâm Bắc Ninh, Hưng Yên. Thế nhưng, thực tế trước khi làm phân loại doanh nghiệp tại Hà Nội, chúng tôi đã gửi hồ sơ đến Bắc Ninh và Hưng Yên và đều bị từ chối, vì doanh nghiệp có trụ sở chính ở Hà Nội, tất cả bảo hiểm xã hội, hoạt động công đoàn, nộp phí công đoàn cũng diễn ra tại Hà Nội”, bà Đặng Thị Thái nói.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho biết hồ sơ lâm sản, phân loại doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng rất "tù mù", vì các văn bản chưa hướng dẫn rõ ràng. Một số doanh nghiệp lại cho rằng không có ý định thực hiện phân loại doanh nghiệp, bởi việc xuất khẩu vẫn tốt, phía đối tác cũng không yêu cầu, trong khi các yêu cầu thủ tục phân loại đang phát sinh thời gian, chi phí của doanh nghiệp...
Không ít doanh nghiệp cùng tỏ ra băn khoăn về việc doanh nghiệp được xếp Nhóm I, thì khi làm chứng nhận xuất xứ (C/O) có phải xác minh lại không, vì phía đối tác vẫn yêu cầu nhiều loại giấy tờ, trong khi Nghị định lại quy định khi doanh nghiệp được xếp Nhóm I, thì sẽ không phải làm các giấy xuất xứ đầu vào của gỗ nguyên liệu nữa.
HỒ SƠ GỖ XUẤT KHẨU VẪN THỰC HIỆN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Mới đây, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có Công văn số 1314/KL-ĐT phúc đáp Văn bản số 56/HHG-VP của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu.
Theo công văn số 56/HHG-VP ngày 23/10/2024 của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội này nhận được văn bản kiến nghị của một số doanh nghiệp phản ánh về khó khăn và vướng mắc trong việc xác minh nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu.
Các khó khăn mà doanh nghiệp vướng phải liên quan đến hồ sơ nguồn gốc gỗ khi xuất khẩu; về phân loại doanh nghiệp; về tuân thủ hồ sơ nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước giữa quy định có sự không thống nhất giữa các văn bản do Chính phủ và Bộ Nông nghiệp ban hành.
"Về tuân thủ hồ sơ nguồn gốc gỗ rừng trồng trong nước khi xuất khẩu, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn".
Công văn số 1314/KL-ĐT của Cục Kiểm lâm.
Vì vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Cục Kiểm Lâm ba nội dung.
Một là, đề xuất Cục Kiểm lâm có hướng dẫn cụ thể cho cơ quan Hải quan địa phương, hải quan cửa khẩu và doanh nghiệp thống nhất thực hiện hồ sơ gỗ xuất khẩu theo đúng quy định tại Nghị định 102 và Nghị định 120.
Hai là, tổ chức các khóa tập huấn phổ biến các quy định cho doanh nghiệp khi thực hiện phân loại doanh nghiệp.
Ba là, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, trong trường hợp bảng kê lâm sản đầu vào đã có xác nhận của hạt kiểm lâm địa bàn thì có cần phải xin xác nhận hồ sơ nguồn gốc xuất khẩu nữa không?
Trong công văn số 1314/KL-ĐT, Cục Kiểm lâm trả lời Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam về hồ sơ xuất khẩu gỗ nêu rõ, theo quy định tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với Ủy ban thực thi chung thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ quyết định thời điểm thực hiện đối với quản lý gỗ xuất khẩu.
Tuy nhiên hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa quyết định thời điểm thực hiện đối với quản lý gỗ xuất khẩu theo quy định mới, do đó hồ sơ gỗ xuất khẩu hiện nay vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, gỗ loài thực vật thông thường có nguồn gốc từ rừng trồng trong nước không thuộc đối tượng phải xác nhận Bảng kê lâm sản, cơ quan Kiểm lâm sở tại chỉ xác nhận khi có đề nghị của chủ lâm sản.
Đối với phân loại doanh nghiệp, Cục Kiểm Lâm cho biết đến thời điểm này, toàn quốc đã có 16 tỉnh thực hiện phân loại, với 194 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được phân loại doanh nghiệp Nhóm I, được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử: www.kiemlam.org.vn.
Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ, quy định phân loại doanh nghiệp đối với đối tượng ngoài doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ tại Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”. Do đó, các đối tượng doanh nghiệp mở rộng tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/3/2026.