Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sầu riêng lao dốc
21 | 04 | 2025
Sầu riêng Ri6 tại vườn xuống 35.000-40.000 đồng một kg, bằng một phần ba so với cùng kỳ 2024, nhiều nơi ngừng thu mua giống Monthong do giá giảm sâu.

Nguồn: Vnexpress.net

Anh Phong - nông dân sở hữu nửa ha sầu riêng tại Tiền Giang - đang "đứng ngồi không yên" khi mùa thu hoạch bước vào chính vụ. Dù trái đã đủ ngày hái, thương lái vẫn không mặn mà thu mua. Đặt cọc từ hơn tháng trước với mức 60.000 đồng một kg, anh lo họ bỏ cọc vì giá liên tục giảm sâu.

"Hiện tôi chỉ còn cách bán lẻ cho tiểu thương để họ tiêu thụ nội địa với giá khoảng 45.000 đồng một kg dành cho loại đẹp", anh Phong chia sẻ.

Tương tự, ở các khu vực chuyên canh sầu riêng như Tiền Giang, Cần Thơ hay Bến Tre, giá thu mua Ri6 tại vườn chỉ còn 35.000-40.000 đồng một kg. Trong khi đó, sầu riêng Monthong (Thái) cũng giảm sâu, dao động 60.000 đến 70.000 đồng một kg. Mức giá này bằng khoảng một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều vựa đã ngưng hoạt động, số còn lại chỉ thu mua nhỏ giọt để phục vụ thị trường nội địa.

Ông Minh Thái, thương lái lâu năm tại Tiền Giang, cho biết năm ngoái mỗi ngày gom tới 30 tấn sầu riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng từ tháng 3 năm nay, đơn hàng xuất khẩu đột ngột dừng lại, khiến ông chỉ còn thu mua khoảng 3-4 tấn Ri6 mỗi ngày cho các bạn hàng trong nước.

Không riêng gì ông Thái, nhiều thương lái ở miền Tây cũng tạm nghỉ vì sợ thua lỗ. Họ kể có khi đến tận vườn thương lượng giá, cắt trái, thuê nhân công và chở về kho nhưng đến nơi công ty thu mua lại siết chặt kiểm tra, từ mẫu mã đến dư lượng thuốc. Giá mua tại kho chỉ cao hơn giá tại vườn khoảng 10.000 đồng mỗi kg, khiến thương lái gần như không có lời.

"Không đi gom hàng thì mất thu nhập, mà đặt cọc cứ thấp thỏm vì chẳng biết mai giá còn giữ được không", một thương lái ở Tiền Giang chia sẻ.

Sầu riêng tại nhà vườn ở Cần Thơ. Ảnh: Mạnh Khương

Nguyên nhân chính khiến giá giảm mạnh là do Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam - siết chặt quy trình kiểm soát từ đầu năm.

Ông Đoàn Văn Vẹn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Thư Đăk Lăk, cho biết nước này không chỉ yêu cầu kiểm định chất lượng về kim loại nặng như Cadimi và chất vàng O - vốn có nguy cơ gây ung thư, mà còn tăng tỷ lệ kiểm tra từ 10% lên 100% mỗi lô hàng.

Không chỉ khắt khe, thời gian xét nghiệm kéo dài khiến hàng hoá bị tồn kho tại cửa khẩu. Có lô vượt qua kiểm tra nhưng khi tới chợ đầu mối Trung Quốc đã hư hỏng, nứt trái do thời gian chờ quá lâu.

"Đây là lý do các doanh nghiệp e ngại rủi ro và không dám xuất hàng số lượng lớn", ông Vẹn lý giải.

Một doanh nghiệp ở Tiền Giang từng cố gắng hoàn tất kiểm định để xuất hàng, nhưng phải quay đầu vì chờ thông quan quá lâu. Khi bán lại trong nước, giá rẻ hơn tới 40% so với giá mua vào. "Chúng tôi chịu lỗ nặng, nên hiện không dám mạo hiểm nữa", đại diện doanh nghiệp này nói.

Theo các doanh nghiệp, trước đây, thủ tục thông quan chỉ mất 1-2 ngày, giờ kéo dài cả tuần. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng trái cây. Các doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian xét nghiệm xuống còn 3-4 ngày. Đồng thời, họ đề xuất nhà chức trách tăng số lượng trung tâm xét nghiệm và đàm phán với phía Trung Quốc để công nhận kết quả kiểm định tại Việt Nam, từ đó rút ngắn thời gian chờ và tránh hư hỏng hàng hoá.

Ngoài ra, ông Vẹn cũng nhấn mạnh cần tuyên truyền cho nông dân sử dụng phân bón đúng quy chuẩn, tránh dùng phân nhập lậu có chứa chất cấm. Những đơn vị sản xuất phân bón kém chất lượng cũng cần bị kiểm tra và xử lý nghiêm.

Tại các địa phương, nhà chức trách cũng khuyến khích nông dân chủ động kiểm nghiệm từ vườn trước khi thu hoạch. Việc đảm bảo an toàn từ gốc sẽ giúp giảm rủi ro trong khâu kiểm định cuối cùng.

Cục Bảo vệ Thực vật hiện đã chỉ đạo tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Những đơn vị không đáp ứng quy định về dư lượng thuốc, kim loại nặng hay truy xuất nguồn gốc sẽ bị dừng mã số xuất khẩu - điều kiện tiên quyết để giữ chỗ đứng cho trái cây Việt trên thị trường quốc tế.

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng từng lập kỷ lục với 3,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch rau quả cả nước, nhưng chỉ hai tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sầu riêng đã tụt xuống còn 52,7 triệu USD, giảm 69% so với cùng kỳ. Riêng kim ngạch từ Trung Quốc lao dốc tới 83%, chỉ còn 27 triệu USD. Sầu riêng từ vị trí dẫn đầu, nay rơi xuống hạng ba, sau thanh long và chuối.

Mục tiêu 3,5 tỷ USD xuất khẩu sầu riêng năm 2025 có nguy cơ không đạt. Hiệp hội rau quả nhận định nếu các vướng mắc về kiểm định và thông quan không được tháo gỡ sớm, ngành sầu riêng Việt Nam sẽ còn tiếp tục đối mặt những cú sốc lớn hơn nữa.



Báo cáo phân tích thị trường