Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VN đã hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2007
27 | 07 | 2007
Cuối năm ngoái, Chính phủ đã ra lệnh tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo sau khi cân đối mùa vụ trong nước và để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Năm nay việc ngừng ký cũng lặp lại nhưng sớm hơn và do Hiệp hội Lương thực Việt Nam không làm thủ tục xác nhận hợp đồng.
Hiệp hội “ra tay” trước

Tính đến cuối tuần qua, số lượng gạo đã ký theo các hợp đồng xuất khẩu của năm 2007 đạt 4,5 triệu tấn, mức quy định của Chính phủ trong năm nay. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VRA) hôm 16/7 xác nhận rằng hiệp hội đã ngưng làm thủ tục xác nhận hợp đồng xuất khẩu gạo. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tạm dừng ký hợp đồng vì theo quy định của Chính phủ và Bộ Thương mại, VRA phải có xác nhận hợp đồng về số lượng gạo, giá cả (có phù hợp theo giá định hướng hay không) thì doanh nghiệp mới được xuất khẩu.

 “Không phải Chính phủ ra lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo mà theo quy định của Chính phủ, chúng tôi xác nhận hợp đồng xuất khẩu gạo tới mức chỉ tiêu là 4,5 triệu tấn và sau đó tạm ngưng chờ Chính phủ và Bộ Thương mại có ý kiến”, bà Nguyệt giải thích về việc tạm ngưng này.

Bà Nguyệt cũng cho biết dự kiến vào tháng 9 tới đây, Chính phủ sẽ xem xét vấn đề có cho ký tiếp hợp đồng xuất khẩu gạo nữa hay không sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát tình hình mùa vụ trong nước.

 Tại ĐBSCL giá gạo đang tăng mặc dù lúa hè thu đang vào vụ thu hoạch, ở mức bình quân 2.950 đồng/kg, do các nhà xuất khẩu đẩy mạnh mua vào để giao hàng cho nước ngoài. Gạo Việt Nam loại 5% tấm chào bán tại cảng TPHCM (giá FOB) hiện là 305-307 đô la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm có giá 290 đô la Mỹ/tấn, tăng bình quân 30-40 đô la Mỹ mỗi tấn so với hai tháng trước.

 Cũng trong tuần qua, tại thành phố Hạ Long, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar - năm nước kiểm soát 45% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu - đã có hội nghị bàn về vấn đề an toàn thực phẩm trong xuất khẩu gạo, không xuất khẩu gạo biến đổi gen và việc hợp tác xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam. Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu được 4,75 triệu tấn gạo, thu về 1,3 tỉ đô la Mỹ, giảm 10% về sản lượng và kim ngạch so với năm 2005 do tình hình dịch bệnh tàn phá.

 

Giá càng cao càng gặp “sóng” lớn

Giá gạo trong nước gần như tăng liên tục kể từ cuối năm ngoái tới nay, nếu có giảm chỉ nhất thời, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn lo canh cánh. Ngay từ đầu năm, khi nông dân vựa lúa ĐBSCL thu hoạch rộ lúa đông xuân thì các nhà xuất khẩu gạo đã đau đầu với việc thiếu tàu vận chuyển gạo. Không chỉ vậy, từ tháng 5 năm nay, giá cước vận chuyển cũng tăng cao. Cụ thể, giá cước tàu vận chuyển gạo đi các nước châu Á từ 18 - 19 đô la Mỹ/tấn gạo tăng lên 26-30 đô la Mỹ, đi châu Phi từ 80 - 90 đô la Mỹ/tấn nay là 120 - 130 đô la Mỹ.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty Gentraco, một nhà xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL, cho biết cước vận chuyển gạo tăng thêm bình quân 20 - 30 đô la Mỹ/tấn so với cuối năm ngoái. “Cước tăng nhưng thuê tàu lại gặp khó khăn, nhất là tuyến vận chuyển đi các nước Asean, mà Asean là thị trường xuất khẩu tới 50% sản lượng gạo của Việt Nam”, ông Kiên cho hay. Lý giải nguyên nhân giá cước tăng, VRA cho là do giá xăng dầu tăng và do các tàu chở gạo của Việt Nam đi các tuyến Asean thường không có hàng đối lưu về.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện cước phí vận chuyển gạo xuất khẩu chiếm tới 30-35% giá gạo xuất khẩu tính theo giá FOB.

Kiếm tàu chở gạo đã khó, cước lại tăng nên lượng gạo tồn kho hiện nay rất cao, như tại thời điểm 30/6, lượng gạo tồn kho mà lẽ ra phải giao cho khách hàng nước ngoài lên tới 750.000 tấn. Mới đây, sau khi Chính phủ Indonesia thỏa thuận mua thêm gạo của Việt Nam, VRA đã đề nghị Chính phủ giao trực tiếp cho Tổng công ty Lương thực miền Nam trao đổi với BULOG (cơ quan nhà nước phụ trách nhập khẩu gạo của Indonesia) nhưng kèm theo điều kiện hiếm thấy trong mua bán gạo lâu nay là người mua phải lo thuê một nửa số tàu vận chuyển gạo.



Báo cáo phân tích thị trường