Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Việt Nam: Hãy là người cầm trịch trên thương trường
07 | 03 | 2008
Trước đây, mỗi khi dự báo giá cafe, chúng ta thường đọc thấy những dòng nói về diễn biến khí hậu ở Brazin (có sương muối hay không) để ước đoán sự ảnh hưởng của nó đến sản lượng cafe Brazin và từ đó mới tính được tác động của sự tăng giảm sản lượng cafe Brazin tới giá cafe thế giới.
Điều này cũng dễ hiểu, vì Brazin là nước sản xuất cafe hàng đầu thế giới và sự trồi sụt sản lượng cafe ở quốc gia này sẽ ảnh hưởng ngay đến giá cafe thế giới.

Cũng tương tự như vậy, mỗi khi OPEC ( tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới ) tuyên bố tăng hay giảm lượng khai thác dầu thô là y như rằng dầu thế giới giảm hay tăng tương ứng, thậm chí một vài thành viên trong đó có sự cố nào đó (như khủng hoảng hạt nhân IRAN, hay việc Venezuela mắc mớ với Essomobye) là giá dầu lại một phen chao đảo. Điều này cũng không có gì lạ khi OPEC, thậm chí những thành viên nêu trên của OPEC là tổ chức và những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới, chi phối giá dầu thô thế giới. Như vậy, có thể thấy rõ sản lượng một mặt hàng nào đó do một quốc gia hay tổ chức nào đó nắm phần lớn thì tổ chức đó, quốc gia đó sẽ chi phối thị trường, sẽ quyết định giá cả mặt hàng đó. Kinh tế thị trường là vậy. Và không phải ngẫu nhiên, tại VN, các hãng Vietel, Mobiphone, Vinaphone hay Sphone… đều cố gắng để nắm giữ số thuê bao càng sớm càng tốt. Đó chính là thị phần của họ trên thị trường và thị phần càng lớn họ càng chi phối, có tiếng nói quyết định về hàng hoá, giá cả, dịch vụ đó.

Bạn sẽ nghĩ sao khi thế giới bắt đầu phải nhắc đến ảnh hưởng của đợt rét hại kéo dài tại VN. Đối với sản lượng cafe VN, khi dự báo giá cafe thế giới sẽ tăng hay giảm. Điều này chứng tỏ sản lượng cafe ở VN đã bắt đầu tác động đến giá cafe thế giới. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã có những nỗ lực rất lớn phát triển cafe cũng như nhiều loại nông sản khác nên diện tích trồng được mở rộng và sản lượng đã có thứ hạng trên thế giới. VN đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 về cafe, thứ nhất về hạt tiêu. Ở những mặt hàng đó, VN hoàn toàn có ảnh hưởng nếu không nói là chi phối giá thế giới. Nói một cách không ngoa, nếu VN ngừng xuất khẩu hạt tiêu sọ (loại hạt tiêu chỉ có ở VN) thì giá hạt tiêu thế giới sẽ biến động tăng vọt. Rõ ràng khi đã nắm tới một nửa lượng hạt tiêu giao dịch trên thế giới thì điều đó là có thể. Tính ra với vị thế và xu thế của mình về sản lượng một số mặt hàng nông sản (gạo, chè, cafe, hạt tiêu…), VN có thể gây ảnh hưởng tới giá cả thị trường thế gới theo hướng có lợi cho mình. Có thể thấy rõ tác động này ở giá gạo thế giới trong 2 tháng đầu năm nay. Do nhu cầu gạo tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở châu Phi và việc một số nước có xuất khẩu gạo đang gây khó khăn về lương thực (Trung Quốc, Ấn Độ...) nên giá gạo nhích lên nhưng khi VN và Thái Lan thắt chặt nguồn cung thì giá gạo tăng vọt. Đầu tháng 1, giá gạo xuất khẩu của VN ở mức 355 USD/ tấn. Tháng 2 giá đã vọt lên trên 400 USD/ tấn. Và tăng hơn cùng kỳ 2007 tới cả 100 USD/ tấn.

Rõ ràng khi đã nắm một thị phần đáng kể có thứ hạng, chúng ta cần chủ động phối hợp với những quốc gia có thế mạnh tương tự để chủ động điều chỉnh nguồn cung ra thị trường nhằm dạt được lợi ích cao nhất. Điều này các nước xuất khẩu dầu mỏ, cao su.. đã và đang tiếp tục làm.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường