Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cà phê tăng cao: Dân vui một nửa....
29 | 02 | 2008
Đăklăk những ngày này, mặc dù đang trong mùa khô nhưng nước tưới cho cà phê không phải là vấn đề người ta quan tâm nhất. Tâm điểm thời sự là giá cà phê tăng vùn vụt từng ngày. Mặc dù giá cà phê cao ngất ngưởng nhưng với người trồng cà phê thì niềm vui không được trọn vẹn.

Lợi đơn, thiệt kép
Cuối tuần qua giá cà phê XK đã tăng lên mức gần 2.400USD/tấn, giá xuất khẩu tăng cao khiến các DN trong nước thu mua cà phê cũng đội giá lên 36.000 đồng/kg, là mức giá cao nhất trong vòng 13 năm qua và chỉ còn kém mức giá kỷ lục năm 1994 là 40.000 đồng/kg. Dĩ nhiên đây không phải là mốc giá cuối cùng. Giá cà phê đang “leo thang” từng ngày khiến bà con nông dân vô cùng phấn khởi, nhưng niềm vui này sẽ thực sự trọn vẹn nếu cà phê không mất mùa.
Hiện các tỉnh Tây Nguyên có 465.000ha cà phê, theo nhận định ban đầu thì sản lượng đạt 1 - 1,1 triệu tấn. Tuy nhiên khi niên vụ cà phê 2007 – 2008 kết thúc thì sản lượng chỉ đạt 850.000 tấn, trong đó mất mùa nặng nhất phải kể đến tỉnh Đăklăk, thủ phủ cà phê cả nước. Ông Nguyễn Văn Sinh, PGĐ Sở NN - PTNT Đăklăk cho biết: "Sản lượng cà phê niên vụ vừa qua chỉ đạt 325.000 tấn, giảm 110.000 tấn so với năm trước".
Tỉnh Đăk Nông cũng bị sụt giảm sản lượng nghiêm trọng (khoảng gần 1/3). Đi qua các huyện Krông Păk, Krông Buk, Krông Ana, Krông Păk, Ea Kar vốn là những vùng trồng cà phê nổi tiếng, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt tiếc hùi hụi khi giá cà phê đang tăng chóng mặt mà nông dân không có cà phê bán.
Anh Triệu Văn Đông, ở P. Tân Thắng, TP Buôn Mê Thuột than thở: Nhà tôi có 4 ha cà phê mọi năm thu hoạch khoảng 12 tấn, năm nay thu chưa đầy 8 tấn. Thời cơ đến mà chúng tôi không tóm được, chắc gì sang vụ tới giá cà phê còn ở mức cao. Còn nhà ông Hùng ở huyện Ea Kar có gần 3 ha cà phê năm nay chỉ thu được 6 tấn, so với năm vừa qua giảm 3 tấn. Anh Đông hay ông Hùng chỉ là 2 trong số nhiều người trồng cà phê tại Tây Nguyên gặp cảnh "mất mùa-được giá".
Nguyên nhân cà phê mất mùa, theo ông Sinh là do thời tiết bất lợi, trong thời điểm cà phê ra hoa đại trà, gặp trời mưa kéo dài khiến tỷ lệ quả đậu rất thấp. Còn theo ngành NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng khi cà phê ở đây đang thời kỳ ra hoa thì gặp sương muối nên hoa tự nhiên khô sau đó rơi rụng, nếu có đậu cũng chỉ vài tuần sau bị thối quả.
Người trồng cà phê Tây Nguyên năm qua còn buồn vì không chỉ mất sản lượng mà giá vật tư tăng chóng mặt, từ thuốc trừ sâu, phân bón, nước tưới đến công thu hái...

Cảnh báo trồng mới cà phê tràn lan

Nguồn tin của NNVN cho hay, hiện giá cà phê cao nhưng các DN rất khó thu mua. Không phải lượng cà phê trong dân đã hết mà người dân vẫn tiếp tục nghe ngóng tình hình, đợi giá cà phê tăng cao nữa mới bán. Trong niên vụ vừa qua sản lượng cà phê của Đăklăk đạt 325.000 tấn nhưng lượng cà phê bán ra đến nay mới khoảng trên 60.000 tấn. Nguồn tin này cũng cảnh báo nếu người dân không bán cà phê trước tháng 5, khi các nước Nam Mỹ vào mùa thu hoạch rộ cà phê thì rất có thể giá sẽ hạ nhiệt.
Giá cà phê tăng cao khiến nông dân phấn khởi nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề lo ngại. Đầu tiên là phong trào chặt bỏ một số loại cây trồng khác để chuyển sang trồng cà phê đã bắt đầu tái diễn, điều này ngược lại 5 – 6 năm về trước. Ông Nguyễn Văn Sinh tỏ ra lo ngại về “phong trào tự phát” này: Mặc dù chủ trương của tỉnh chỉ giữ nguyên 175.000ha cà phê hiện có và chú trọng vào đầu tư thâm canh tăng năng suất. Nhưng trong năm qua toàn tỉnh đã trồng mới 3.000ha.
Còn tại Lâm Đồng, ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho hay: Hiện Lâm Đồng có 128.000 ha cà phê, mặc dù tỉnh không có chủ trương trồng mới, nhưng do giá cà phê tăng cao người dân đã tự ý trồng mới thêm 4.000ha. Điều đáng lo ngại là toàn bộ những diện tích trồng mới cà phê tại Tây Nguyên đều nằm ở vùng đất xấu, tầng đất mỏng do vậy năng suất, chất lượng sẽ thấp. Đồng thời đây cũng là những vùng không có nước tưới vào mùa khô khiến áp lực về nước càng lớn.
Hiện Đăklăk có diện tích cây trồng rất lớn, mặc dù đã được Nhà nước đầu tư nhiều công trình thuỷ lợi nhưng cũng chỉ đáp ứng được 50% diện tích cây trồng có nước tưới. Do vậy những năm hạn hán kéo dài thì nguy cơ mất trắng ở những diện tích cà phê trồng mới là rất lớn.
Giá cà phê cao còn khiến nạn trộm cắp cà phê diễn ra rất phức tạp. Giá càng cao thì nạn trộm cắp càng gia tăng. Để bảo vệ thành quả của mình thì không còn cách nào khác là người dân phải hái cà phê xanh làm sụt giảm 25 – 35% sản lượng và chất lượng cà phê cũng giảm tới 15%. Như vậy người dân bị thiệt đơn thiệt kép.
 



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường