Tiềm năng
Cùng với nhiều loại cây ăn trái khác, ổi đã thực sự trở thành nông sản hàng hoá ở ĐBSCL từ nhiều năm nay. Sản lượng ổi không chỉ đáp ứng nhu cầu trong vùng mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong nước, trong đó TP.Hồ Chí Minh là thị trường lớn nhất.
Với 1.197ha (sản lượng 27.525 tấn), Tiền Giang trở thành địa phương có diện tích ổi lớn nhất vùng, với nhiều giống khác nhau: ổi sẻ, ổi bôm, ổi xá lỵ, ổi Đài Loan, ổi không hạt Thái Lan,... Hiện ở ĐBSCL, giống ổi xá lỵ được trồng nhiều nhất nhờ ưu điểm trái to, da hơi trắng vàng và láng, ít hạt, thịt dày, giòn, vị chua ngọt. ổi xá lỵ nghệ cho năng suất cao, đối với những vườn 2 - 4 tuổi, nếu được chăm sóc tốt, có thể đạt năng suất 20-60 tấn/ha/năm, từ 5 năm tuổi trở đi đạt 70 tấn/ha/năm. Giống ổi xá lỵ nghệ được trồng phổ biến ở huyện Cái Bè, giá mua tại vườn dao động ở mức 1.200-1.600 đồng/kg trong mùa mưa, 2.500-2.800 đồng/kg trong mùa nắng. Giống ổi không hạt cũng đang được nhiều nhà vườn nhân rộng. Hiện tại, do sản lượng cung ứng cho thị trường còn hạn chế nên giá ổi không hạt khá cao, 10.000-12.000 đồng/kg. Giống ổi xá lỵ sần tuy giá bán ở mức trung bình khá, nhưng trái khá ngon, hương vị đậm đà và có thị trường tiêu thụ khá bền.
Cũng như nhiều loại nông sản hàng hoá khác, trái ổi chịu sự lên xuống về giá theo mùa vụ. Các tháng mùa nắng (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau - ở Nam Bộ), giá thường cao hơn các tháng mùa mưa (tháng 6 đến tháng 10). Tháng mùa nắng thường xảy ra tình trạng ổi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy giá khá cao. Vì vậy, điều chỉnh mùa vụ thu hoạch ổi vào các tháng mùa nắng là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp nông dân dễ tiêu thụ và có lợi về mặt giá cả.
Đổi mới phương thức canh tác, việc cần làm ngay
Mặc dù có thị trường tiêu thụ rộng mở nhưng trái ổi vẫn chưa thoát ra khỏi hạn chế chung của ngành trái cây ĐBSCL: sản xuất manh mún, chất lượng, phẩm cấp kém,... Thực tế cho thấy, trong các đối tượng sâu bệnh tấn công cây ổi, ruồi đục trái được xem là “vấn nạn”. Trước đây, để trái ổi không bị ruồi gây hại, người trồng phải sử dụng thuốc hoá học, phun xịt nhiều lần trong quá trình sinh trưởng và phát triển của trái. Ba năm gần đây, phương pháp bao trái cho ổi đã được nhiều nhà vườn chọn lựa, góp phần giảm lượng thuốc BVTV, lại có thể cho ra những sản phẩm an toàn. Các nhà khoa học khuyến cáo, nên bao trái cho ổi khi trái còn non, có đường kính khoảng 2,5-3cm.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ngoài yếu tố điều chỉnh mùa vụ thu hoạch, bao trái nhằm đạt giá bán cao, người trồng ổi phải chú ý đến yêu cầu sinh trưởng và các biện pháp kỹ thuật canh tác. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cây ổi có thể phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới và trên nhiều loại đất khác nhau. Đất hơi chua hay hơi kiềm (pH từ 4,5-8,2) nhưng thoát nước tốt, giàu chất hữu cơ đều có thể trồng ổi. Nên chiết cành ổi vào tháng 3-4 để trồng cây vào đầu mùa mưa (các tỉnh Nam Bộ). ổi tương đối dễ trồng, khoảng 8 tháng sau khi trồng thì cho trái. Mật độ trồng đối với trường hợp trồng chuyên là 2 x 2m, khi cây nhiều tuổi, có tán rộng, có thể tỉa bớt, để mật độ 4 x 4m. Nhà vườn có thể điều chỉnh thời gian ra hoa cho ổi theo ý muốn bằng biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp. Theo kinh nghiệm, khi cành ổi chưa ra hoa, dùng kéo bấm đọt, chỉ chừa 3 cặp lá kép. Khi ổi có 1 cặp nụ thì bấm bỏ đọt, chỉ chừa 1 cặp lá phía trên để ra thêm cặp nụ nữa. Sau khi có được 2 cặp nụ hoa (sau này sẽ phát triển thành 2 cặp trái) thì cắt đọt phía trên cặp nụ để tập trung dinh dưỡng nuôi quả; 1 - 2 tuần bấm đọt một lần cho cành ổi. Về phân bón, cần tăng cường bón phân hữu cơ (phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh...) cho ổi, giúp cây sinh trưởng tốt và cho năng suất bền vững. Khi thu hoạch, nên hái ổi vào buổi sáng, cắt bằng kéo sắc, để nơi râm mát trong khi chờ tiêu thụ.
Theo tính toán, trong điều kiện trồng chuyên, 1.000m2 ổi (đối với giống ổi xá lỵ) cho thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/năm, nếu thâm canh cho thu nhập cao hơn. Trồng xen ổi trong vườn cây có múi là biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn rầy chổng cánh, hạn chế tác hại của bệnh vàng lá gân xanh. Giá trị kinh tế của trái ổi đã thấy rõ, vấn đề là nhà vườn và các địa phương làm gì để biến tiềm năng ấy thành hiện thực.