Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu sang Mỹ tăng kỷ lục?
19 | 11 | 2007
Sau những thận trọng ban đầu về ảnh hưởng của cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) vừa đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm nay vào thị trường này sẽ có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.
Con số ấn tượng được AmCham đưa ra là tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ ước đạt 10 tỉ USD, tăng 300 triệu USD so với năm ngoái. Riêng mặt hàng dệt may sẽ đạt 4,3 tỉ USD, tăng gần 26,5% so với năm 2006, thay cho con số 4,25 tỉ USD được cơ quan này dự báo trước đó.

Đánh thức tiềm năng

Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ đã tăng đáng kể nhưng cũng chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Ngay cả khi xem xét về các sản phẩm cụ thể với kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ cao đột biến, ví dụ quần áo và giày dép, vẫn có thể thấy rằng thị phần nhập khẩu của Việt Nam còn rất nhỏ. Thực tế, hàng may mặc của Việt Nam vào Hoa Kỳ mới chỉ chiếm 1,5% thị trường nước này. Còn mặt hàng có chế tác xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam vào Hoa Kỳ là giày dép cũng chỉ chiếm 4%. Do đó, các chuyên gia nhận định có rất nhiều cơ hội để đưa các con số này trở thành lớn hơn.

Dưới góc độ của một nhà kinh tế, ông Lê Đăng Doanh cho rằng nền kinh tế hai nước đang hỗ trợ nhau rất nhiều và còn nhiều cơ hội để khai thác. Chính vì vậy, theo ông Doanh, Việt Nam và Hoa Kỳ nên hỗ trợ nhau thay vì cạnh tranh.

Ông lấy ví dụ mặt hàng giày dép và đồ chơi xuất khẩu của Việt Nam cũng như các mặt hàng khác sẽ giúp cho người tiêu dùng Hoa Kỳ có nhiều sự lựa chọn hơn. Lí do được ông Doanh đưa ra là do nền kinh tế Hoa Kỳ đang chuyển sang nền kinh tế tri thức, chủ yếu dựa vào các dịch vụ nên các mặt hàng tiêu dùng sẽ là khoảng trống cho xuất khẩu của Việt Nam.

Một cơ hội khác mà nền kinh tế Việt Nam có thể bổ sung cho nền kinh tế Hoa Kỳ là việc các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, chuyển dần sang xuất khẩu các mặt hàng cần nhiều vốn và tri thức thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm chế tác sử dụng nhiều lao động. Hiện nay, các nước trong khu vực đang gia tăng xuất khẩu mặt hàng máy tính và hàng điện tử tích hợp công nghệ thông tin.

Việc sản xuất ra các sản phẩm điện tử này được tổ chức bên trong “các mạng lưới sản xuất theo khu vực”, nơi các bộ phận sản phẩm cuối cùng được sản xuất bởi rất nhiều công ty ở nhiều nước khác nhau, thường là trên cơ sở hợp đồng chứ không phải nằm trong một công ty đa quốc gia được tổ chức theo hàng dọc. Trong các mạng lưới này, việc phân công lao động thường sẽ giúp giảm chi phí, thời gian giao hàng là một yếu tố cực kỳ quan trọng (quản lý hàng tồn kho theo phương pháp “vừa kịp thời gian”), phát triển và áp dụng công nghệ rất nhanh và thường được chia sẻ trong toàn mạng lưới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng nếu Việt Nam tiếp tục theo con đường của các nước láng giềng có mức phát triển cao hơn này, có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng xuất khẩu các mặt hàng điện tử. Giá trị xuất khẩu hàng điện tử và phụ tùng máy tính gần đây của Việt Nam đã minh hoạ cho xu hướng này, tăng vọt từ 492 triệu USD trong năm 2002 lên 1,9 tỷ USD vào năm 2006. Xuất khẩu mặt hàng này còn tiếp tục gia tăng nhanh chóng hơn nữa khi nhà máy chip của Intel đi vào hoạt động tại Tp.HCM.
Hơn nữa, GS. James Riedel thuộc dự án Star, còn cho biết: hầu hết các sản phẩm công nghệ thông tin sẽ được áp thuế ở mức 0% theo như hiệp định công nghệ thông tin đã được đàm phán tại vòng đàm phán Urugoay của WTO. Ngoài ra các biện pháp chế tài thương mại như chống bán phá giá cũng rất hiếm khi được sử dụng đối với hàng điện tử.

Thử thách phải đương đầu

Một vấn đề đang đặt ra trong giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tranh chấp thương mại. Giới thương mại Hoa Kỳ vẫn có những ý kiến đối với mặt hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam. Tất nhiên, mỗi quốc gia đều có biện pháp để bảo vệ thị trường của mình. Nhưng ở đây, theo ông Lê Đăng Doanh, Việt Nam không cạnh tranh về giá mà chủ yếu cạnh tranh về chất lượng sản phẩm. Việc hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thị phần lớn hơn cho thấy chất lượng của hàng hoá Việt Nam tăng lên khi vào thị trường Hoa Kỳ.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuần trước đã quyết định không tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với 5 nhóm hàng dệt may Việt Nam (quần, áo sơ mi, đồ bơi, đồ lót và áo len) do không đủ cơ sở và chứng cứ, tuy nhiên, cơ quan này vẫn duy trì chương trình giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và tiếp tục đánh giá số liệu 6 tháng tiếp theo vào tháng 3/2008.

Để trấn an các nhà xuất khẩu của Việt Nam, trong chuyến thăm mới đây tới Việt Nam, Bộ trưởng BThương mại Hoa Kỳ Carlos M.Gutierrez đã trả lời các nhà báo rằng cơ chế này sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển của hàng xuất khẩu Việt Nam.

“Thỏa thuận mà chúng tôi đạt được với Quốc hội khi Việt Nam gia nhập WTO là hệ thống giám sát hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được duy trì cho tới cuối nhiệm kỳ Tổng thống Bush. Hệ thống này không có tác động gì đến các giao dịch thương mại và hàng xuất khẩu của Việt Nam, và cũng không nhắm mục đích tác động đến hàng xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là sự gia tăng mạnh của hàng dệt may mà Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ”, ông Carlos M.Gutierrez nói.

Tuy nhiên, đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn không hết lo lắng với việc Hoa Kỳ tiếp tục duy trì cơ chế giám sát. Điều đó sẽ khiến các doanh nghiệp đang có thị phần tại thị trường Hoa Kỳ chịu nhiều thiệt thòi. Số lượng đơn đặt hàng chắc chắn sẽ bị giảm nhưng nghiêm trọng hơn là uy tín của các doanh nghiệp này sẽ bị giảm sút trên thị trường thế giới.

Một thử thách nữa mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu, theo nhận xét của ông Lê Đăng Doanh, là các nhà sản xuất ở Việt Nam chưa nhìn thấy chuỗi giá trị mà các sản phẩm của mình cần có. Trên thực tế, không phải cứ làm ra sản phẩm theo công nghệ khép kín, tức là sản phẩm trọn gói thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có những công ty chỉ mỗi việc làm gia công cho một, hoặc nhiều công ty nước ngoài mà đã nhanh chóng phát đạt, lợi nhuận hàng năm gia tăng, lại có độ bền vững, có sức trụ bám trong cạnh tranh.

Năm 2007 được giới chuyên gia dự đoán sẽ mở ra cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam với việc Việt Nam gia nhập WTO, và hàng xuất khẩu của Việt Nam không còn bị hạn chế bởi hạn ngạch. Trước sức ép cạnh tranh thời hội nhập, những khó khăn có lẽ đã được các doanh nghiệp Việt Nam xác định rõ, chỉ còn là quyết tâm của doanh nghiệp có muốn vượt qua hay không.

Tuy nhiên, với những triển vọng của Việt Nam, Bộ trưởng Carlos M.Gutierrez cũng tỏ ra lạc quan khi cho rằng thương mại hai chiều sẽ còn tiếp tục tăng, có thể đạt mức 12 tỉ USD hoặc hơn nữa vào năm 2008.


Theo vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường