Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Điều quan trọng nhất là tạo ra sự khác biệt”
19 | 11 | 2007
Dáng người nhỏ nhắn, nói năng nhẹ nhàng, nhìn bề ngoài có vẻ “yếu mềm” nhưng Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam, Lào, Campuchia, ông Ashok Sud lại rất “cứng rắn” trong việc ra quyết định.


Bắt đầu sự nghiệp ở vị trí trợ lí song song với vai trò là một kế toán viên đã dạy ông về tính chính xác và sự bền bỉ. Ông đã mang tất cả hai yếu tố rất có giá trị này vào công việc điều hành trong suốt bước đường sự nghiệp của mình.

Ba yếu tố quan trọng nhất để thành một giám đốc giỏi

Đâu là lời khuyên kinh doanh tốt nhất đối với ông?

Hãy là người biết lắng nghe nhưng phải hành động nhanh, kiên quyết và công bằng.

Ông có lời khuyên nào đối với những người cũng bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng như ông hiện giờ và tính cách nào cần phải có để hoạt động thành công trong lĩnh vực ngân hàng?

Trong 10 năm đầu sự nghiệp của bạn, bạn nên đầu tư cho chính bạn bằng cách gia nhập vào một công ty nơi mà bạn có thể học hỏi được mọi thứ và đây không nhất thiết phải là công ty có thể trả bạn mức lương cao nhất. Không có con đường tắt nào để học hỏi được kỹ năng và kiến thức tốt.

Để có thể hoạt động thành công trong lĩnh vực ngân hàng, bạn phải có khả năng hiểu được môi trường, trong đó bao gồm các thị trường tài chính quốc tế, có kiến thức sâu rộng về sản phẩm và khả năng lãnh đạo tốt vì môi trường ngân hàng là môi trường làm việc có tính quốc tế rất cao.

Ông thích cuốn sách kinh doanh nào nhất?

Tôi không lấy cảm hứng nghề nghiệp từ một cá nhân người nào cũng như một cuốn sách cụ thể nào. Tôi thích học hỏi từ những câu chuyện thành công thu thập trên toàn thế giới. Vì vậy, tôi không có cuốn sách kinh doanh yêu thích nào cả nhưng gần đây tôi có đọc một cuốn sách rất thú vị về thế giới kinh doanh trong 20 năm tới do nhà theo thuyết vị lai nổi tiếng Wolfgang Gruelke. Tôi có cơ hội gặp tác giả cuốn sách này tại Luân Đôn tại Trường kinh doanh Luân Đôn (Anh) năm ngoái.

Quyết định nào là khó khăn nhất đối với ông khi ở cương vị là một Tổng giám đốc?

Vai trò hàng ngày của một Tổng giám đốc là đưa ra các quyết định cứng rắn và cương quyết. Tuy nhiên, những quyết định khó khăn nhất là những quyết định liên quan đến con người, đặc biệt là đối với những người bạn và đồng nghiệp lâu năm.

Theo ông, ba yếu tố quan trọng nhất để trở thành một giám đốc giỏi?

Là một người biết lắng nghe, có cá tính mạnh và đưa ra quyết định một cách nhanh chóng.

Thị trường vốn đang đi đúng hướng

Ông đã kết hợp tất cả các kinh nghiệm của mình như thế nào để thực hiện vai trò là người đứng đầu Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam?

Thực ra, tôi thấy khá dễ dàng thích nghi được với nền văn hoá Việt Nam và môi trường kinh doanh ở đây vì Việt Nam tương đối giống đất nước tôi. Ngành tài chính của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh cũng giống như Ấn Độ cách đây không lâu. Điều này giúp tôi có cái nhìn lâu dài về hướng phát triển của nền tài chính của Việt Nam trong năm đến bảy năm tới và sử dụng điều này để xây dựng một chiến lược năng động cho ngân hàng chúng tôi.

Điều gì đã khiến ông quyết định làm việc tại Việt Nam?

Tôi muốn tìm hiểu về Việt Nam nói chung và lịch sử của đất nước anh hùng này.

Ông lo ngại nhất điều gì trước khi làm việc tại Việt Nam. Lo ngại đó đã xảy ra chưa?

Mọi người đều cho rằng Việt Nam rất khác so với các nước khác. Nhưng thực sự điều đó không đúng và Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mà nhiều nước châu Á khác cũng phải trải qua. Người Việt Nam sở hữu một di sản văn hoá sâu sắc rất giống với Ấn Độ.

Phần lớn nhân viên của ông là người Việt Nam. Theo ông họ phải nâng cao khả năng gì để đáp ứng nhu cầu của Standard Chartered?

Tôi nhận thấy người Việt Nam rất có tài. Nhưng vấn đề ở chỗ có quá nhiều người đang liên tục thay đổi công việc. Điều này không có lợi trong đường hướng phát triển sự nghiệp của họ về lâu về dài. Những người trẻ tuổi cần phải kiên nhẫn và kiên trì hơn và dành thời gian tìm được công việc phù hợp, tương tự như chọn người bạn đời của mình vậy.

Sau hơn một năm làm việc tại Việt Nam, ông có nhận xét như thế nào về ngành ngân hàng và thị trường vốn ở đây?

Phát triển nhanh, đôi khi mất cân bằng một chút nhưng đang đi đúng hướng. Củng cố ngành ngân hàng là việc thiết yếu và lành mạnh.

Nếu một ngân hàng cổ phần Việt Nam muốn mời ông làm việc với tư cách là tổng giám đốc với một mức lương cạnh tranh so với mức lương ở Standard Chartered, ông có nhận lời không?

Điều quan trọng nhất đối với tôi khi lựa chọn nghề nghiệp là nắm giữ một cương vị nơi tôi có thể tạo ra sự khác biệt. Tôi tin rằng tôi đang thực hiện điều đó cho Standard Chartered tại Việt Nam và sẽ thật không công bằng để nghĩ đến một điều khác cho đến khi tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông có nhận thấy sự khác biệt lớn nào giữa Việt Nam và các nước châu Á khác không?

Các nguyên tắc vẫn giống nhau, còn phương thức thực hiện có thể khác nhau tuỳ theo mỗi nước.

Ông dự đoán về sự phát triển của Standard Chartered tại Việt Nam trong năm đến 10 năm tới như thế nào?

Một ngân hàng phát triển mạnh và trách nhiệm là một ngân hàng tạo ra sự khác biệt thực sự cho khách hàng, nhân viên và cộng đồng nơi nó hoạt động. Tôi tin tưởng Standard Chartered sẽ thực hiện được điều này vì chúng tôi am hiểu các thị trường châu Á và cam kết sẽ phát triển lâu dài tại đây.

Nộp hồ sơ xin lập ngân hàng con

Standard Chartered có ý định thành lập ngân hàng con tại Việt Nam không?

Là ngân hàng lớn hoạt động tại 56 quốc gia, chúng tôi mong muốn giữ vai trò xúc tác trong việc đưa ra các sản phẩm mới vào thị trường. Thông qua việc thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài, chúng tôi có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

Gần đây, Standard Chartered là một trong những ngân hàng đầu tiên thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc và chúng tôi hy vọng cũng làm được như vậy tại Việt Nam.

Hiện nay, Standard Chartered đang nộp hồ sơ xin thành lập ngân hàng con. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ không vấp phải trở ngại. Phía cơ quan quản lý của Việt Nam cũng đã cam kết rằng quy trình thẩm định, phê duyệt chỉ trong vòng 6 tháng. Chúng tôi nghĩ rằng đến cuối năm 2007 sẽ có một vài ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam.

Một số người cho rằng sự ra đời của các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam sẽ gây bất lợi cho các ngân hàng trong nước. Ông có ý kiến gì về điều này?

Kinh nghiệm của chúng tôi tại các nước đang phát triển khác cho thấy rằng việc mở của ngành tài chính cho các ngân hàng quốc tế là chất xúc tác giúp nâng cao số lượng và chất lượng của dịch vụ ngân hàng và điều này rất cần thiết để nền kinh tế phát triển nhanh. Các ngân hàng trong nước thực sự có lợi từ điều này vì ngành ngân hàng phát triển rất mạnh. Không nghi ngờ gì nữa, điều tương tự sẽ xảy ra tại Việt Nam.

Các ngân hàng Việt Nam sẽ nhanh chóng thay đổi mình và tiếp tục nắm thị phần chủ yếu khi người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Tôi cho rằng việc tự do hoá tài chính sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Ông có cho rằng những yêu cầu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra đối với việc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài là phù hợp và khả thi không?

Tôi đánh giá cao chính sách của Chính phủ Việt Nam khi cho phép các ngân hàng lớn của nước ngoài thành lập các ngân hàng con tại Việt Nam. Đây là chất xúc tác không chỉ thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam mà còn nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mà khách hàng Việt Nam có thể tiếp cận. Những quy định mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra là cần thiết.

Các nước khác cũng đã có những động thái tương tự, có sự chọn lọc và quan tâm đến quy mô của ngân hàng mẹ. Do đó, những quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra là chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng cần có sự linh hoạt nhất định. Tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra những quy định này dựa trên những kinh nghiệm và tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời xem xét sự tương thích với hệ thống ngân hàng trong nước.

Gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố cần củng cố ngành ngân hàng vì số lượng ngân hàng tại Việt Nam quá nhiều. Việc chú trọng vào chất lượng hơn số lượng là định hướng đúng trong điều kiện cạnh tranh ngày càng tăng sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo tôi, cần có chính sách thận trọng để tăng khả năng cạnh tranh của ngành ngân hàng.

Standard Chartered đã giới thiệu dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Xin ông cho biết dịch vụ này nhắm vào đối tượng khách hàng nào?

Các sản phẩm ngân hàng bán lẻ của chúng tôi nhắm vào tất cả các tầng lớp trong xã hội ở các độ tuổi từ sinh viên cho đến những người nghỉ hưu. Và chúng tôi sẽ tạo ra các sản phẩm dựa trên chuyên môn mà chúng tôi đã áp dụng thành công tại 56 quốc gia chúng tôi có mặt. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành “Đối tác Đúng” đối với tất cả các khách hàng của mình.

Câu hỏi cuối cùng, nếu ông muốn mở một tài khoản tại một ngân hàng cổ phần của Việt Nam, ông sẽ chọn ngân hàng nào?

Tôi sẽ chọn ngân hàng phát triển vững mạnh và có dịch vụ in bản thông báo tài khoản bằng tiếng Anh.

* Trong suốt hơn một năm rưỡi trên cương vị của mình, ông Ashok đã giúp Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam, Lào, Campuchia mở chi nhánh thứ hai tại Tp.HCM, khai trương dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đang thực hiện kế hoạch thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài trong thời gian tới.

Với chuyên ngành giám định viên kế toán (chartered accountant), ông đã giữ rất nhiều chức vụ khác nhau trong các ngành công nghiệp ô tô và hàng hoá tiêu dùng trong hơn 8 năm tại Ấn Độ và châu Phi trước khi ông chuyển sang ngành ngân hàng. Ông công tác trong ngành ngân hàng hơn 25 năm tại Ấn Độ và Anh, chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư.

Trước khi đến làm việc tại Việt Nam, ông Ashok là giám đốc phụ trách ngân hàng doanh nghiệp tại Ấn Độ và Nepal và đã giúp ngân hàng đạt được tăng trưởng cao trong suốt năm năm qua.


Nguồn: www.vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường