Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sức ép phân bón chưa từng có...
19 | 11 | 2007
Mấy ngày qua nông dân đổ xô đi mua phân bón nhưng DN nhập hàng vào quá khó. Khoảng 10 ngày nay, 5 chiếc sà lan ở An Giang lên TP.HCM trực chờ chở phân về, nhưng vẫn sắp hàng dài đợi dù tiền đã ứng trước.

Nông dân doạ bỏ đất hoang

Chỉ mới từ đầu tháng 9 đến nay đã 4 lần phân bón tăng giá. Nông dân ĐBSCL đang phải gồng mình trước sức ép giá phân bón tăng vọt khi vụ ĐX đã đến.

Anh Trần Hiếu Thuận ở ấp Bình Thạnh, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú (An Giang) tính toán: Nếu giá phân bón không chựng lại thì phải bỏ đất hoang, chứ sản xuất cầm chắc huề hoặc lỗ. Vụ  ĐX này chi phí đầu tư tăng lên gần gấp đôi so với năm trước, nhưng giá lúa chỉ tăng từ 500 đến 700 đồng/kg. 

Anh Phạm Văn Bê, ấp Bình Qưới, xã Bình Phú cho biết: Gia đình làm 300 công lúa ở xã Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) khoảng 10 ngày nữa xuống giống nhưng đã mua dự trữ 13 tấn phân. Lý do phải mua dự trữ trước vì sợ giá phân bón tăng lên nữa đại lý không bán.

Khổ hơn là những nông dân nghèo mua phân ghi nợ đến cuối vụ thanh toán thêm tiền lãi. Anh Nguyễn Văn Xuân, xã Bình Long, huyên Châu Phú (An Giang) có 5.000 m2 đất, sống chủ yếu nhờ vào 2 vụ lúa, sản xuất chỉ đủ ăn, không tiền tích luỹ. Mấy ngày nay, nghe nói giá phân tăng, đại lý không bán chịu anh bần thần lo lắng.

Đại lý thế chấp giấy tờ nhà đất đi nhập phân

DNTN Tường Dung (ấp Bình Hưng 1, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang) cho biết, nhờ dự trữ các loại phân hơn 3.800 tấn, cộng với số lượng phân nhập kho thêm gần 2.000 tấn nên đại lý cơ bản giải quyết được bước đầu nhu cầu về phân cho bà con nông dân. Khoảng 1 tuần nay, trung bình kho của chị Dung xuất ra 300 tấn phân các loại (tăng 100 tấn so với cùng kỳ năm trước). Năm nay, số tiền đầu tư gấp đôi, nếu như những năm trước vốn đầu tư 10 tỷ đồng thì nay phải đi vay ngân hàng thêm 9 tỷ để nhập hàng  vì 100% phải thanh toán tiền mặt.

Chủ đại lý VTNN Nguyễn Văn Que (Châu Phú – An Giang) tâm sự: "Không đủ tiền dự trữ phân bón, chúng tôi phải vay ngân hàng. Nhưng có tiền cũng không dễ mua được vì DN phải đặt mua có khi cả tháng mới có hàng. Năm nay, DN không bán “gối đầu” như mọi năm mà buộc đại lý chúng tôi trả tiền trước 70% mới giao hàng. Trong khi bán cho nông dân thì 100% thiếu tới mùa. Thôi thì đành mang giấy tờ đất nông nghiệp, nhà kho, nhà ở đi vay ngân hàng để nhập phân vào kho".

Còn chủ đại lý Nguyễn Văn Đắng cho biết: "Hiện  phân  DAP, urê, 20-20-15,16-16-8, kali mỗi bao  tăng từ 100 ngàn đến 180 ngàn đồng. Vốn thì có hạn, giá phân tăng không đủ tiền nhập kho".  Bí quá, anh Đắng đành mang bằng khoán đất đi vay nợ ngân hàng vài tỷ đồng để nhập  hàng  rồi lo lắng: “Giá phân tăng, nông dân lãi ít, không biết trả nợ như thế nào”.



Theo nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường