Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cà phê cao: Tranh thủ xuất khẩu
27 | 12 | 2007
Lễ hội cà phê vừa diễn ra tại TPHCM đã thu hút đông đảo người dân TP và du khách đến tham quan và thưởng lãm các loại hương vị cà phê. Đây là một cơ hội quảng bá văn hóa thưởng thức cà phê đến người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Nhưng để hương vị cà phê Việt Nam có thể lan tỏa ra khắp thế giới thì còn phải nỗ lực nhiều.

Cà phê đang được giá

Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu cà phê thô và là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, nhất là loại cà phê Robusta. Năm qua, cà phê vẫn là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đã xuất 1,2 triệu tấn với kim ngạch khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 22,3% về số lượng và 49,9% về giá trị. Kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu do giá thế giới tăng mạnh.

Thời gian qua, cà phê Việt Nam tuy xuất khẩu có số lượng lớn nhưng thương hiệu lại rất yếu, do chất lượng cà phê không ổn định. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê bị các nước nhập khẩu trả lại hoặc tiêu hủy vì chất lượng kém, mất mùi, mốc, tỷ lệ hạt đen nhiều... Nguyên nhân là do người trồng cà phê chưa tuân thủ các yêu cầu chăm sóc, thu hái và bảo quản cà phê theo tiêu chuẩn mới ban hành nên chất lượng cà phê bị giảm.

Nhiều nơi thu hái cà phê xanh, phơi cà phê trên các tấm ni lông tái sinh và quá dày làm cà phê lên men ảnh hưởng đến chất lượng. Niên vụ cà phê 2007-2008 (bắt đầu từ tháng 10 hàng năm) dự kiến sẽ áp dụng tiêu chuẩn mới để cải thiện chất lượng cà phê. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện nên giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thường thấp hơn 10% so với giá cùng loại của thế giới. Do vậy, yêu cầu xây dựng lộ trình thực hiện theo tiêu chuẩn mới là rất cần thiết để cải thiện hình ảnh cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong năm 2008 dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng cao và đây là cơ hội để các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam tính toán tăng nhanh lượng xuất khẩu vào những thời điểm được giá nhất, mang lại hiệu quả tốt nhất. Thông thường, khi giá cà phê tăng cao, nhu cầu lớn, các yêu cầu về chất lượng cũng bớt nghiêm ngặt. Hiện nay, giá cà phê đang tăng rất nhanh. Giá cà phê giao trong tháng 12 đối với cà phê Arabica đã đạt 2.846 USD/tấn, tăng 68 USD/tấn so với đầu tháng; giá cà phê Robusta đạt 2.248 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn.

Giá chào cà phê Robusta của Việt Nam cho các đơn hàng sắp tới tăng bình quân 30-50 USD/tấn. Dự báo cũng cho thấy, nguồn cung cà phê giảm mạnh ở các nước xuất khẩu lớn, do niên vụ này hầu hết các nước đều giảm sản lượng, trong đó Brazil giảm tới 23%, Việt Nam giảm 4%, Indonesia giảm 19%... Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng tại các nước sản xuất cà phê cũng đang tăng cao khiến một số nước như Indonesia dự kiến phải nhập khẩu khoảng 60.000 tấn cà phê trong quý 1-2008. Sản lượng thiếu cũng dẫn đến nhiều quỹ đầu tư và các nhà rang xay sẽ tăng mua để dự trữ.

* Tập trung cải tiến chất lượng

Theo kế hoạch của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong năm 2008 dự kiến đạt 1,8 tỷ USD, với khối lượng xuất khẩu đạt 1,1 triệu tấn, giảm 8,3% về lượng và 1,3% về giá. Nhưng nếu bám sát tình giá đang tăng nhanh và có phản ứng kịp thời, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm ít hơn dự kiến. Bộ Công thương cũng đang đeo bám khá sát tình hình này để phối hợp cùng Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam thông tin đến các doanh nghiệp.

Bộ này cũng xác định, nâng cao chất lượng cà phê là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu. Do đó, các biện pháp nhằm áp dụng tiêu chuẩn mới (TCVN 4193:2005) nhằm cải thiện chất lượng cà phê, hạn chế tổn thất sau thu hoạch. Trong chiến lược đầu tư phát triển thị trường và thương hiệu cà phê Việt Nam sẽ hướng đến các kế hoạch đổi mới công nghệ và thiết bị chế biến; thực hiện sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê hữu cơ và cà phê đặc biệt; mở rộng các chủng loại mặt hàng cà phê; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm Robusta và Arabica hợp lý; xây dựng hệ thống kho tàng đạt chuẩn; hướng dẫn các hộ nông dân trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế theo yêu cầu kỹ thuật để đạt chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, họ cần được hướng dẫn, hỗ trợ để triển khai các chương trình này đến người nông dân và đầu tư kho tàng, công nghệ chế biến. Hiệp hội cần đứng ra là vai trò trung gian giúp doanh nghiệp xây dựng các đề án xuất khẩu đối với từng thị trường để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Về thị trường, EU vẫn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất Việt Nam, chiếm tỷ trọng 50% sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường Hoa Kỳ là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, vì vậy các doanh nghiệp được khuyến cáo nên chú trọng mở rộng thị trường này.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường