Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê Việt Nam đang giành lại sân nhà
27 | 12 | 2007
- Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng người dân Việt Nam lâu nay vẫn quen uống cà phê không nguyên chất. Nguyên nhân của vấn đề này được các nhà sản xuất lâu năm cho rằng do những năm trước, cà phê nguyên liệu thiếu trầm trọng, doanh nghiệp (DN) lại mải lo xuất khẩu.

Một số nhà chế biến đã pha trộn tẩm ướp đủ thứ để tung ra thị trường nội địa sản phẩm cà phê “tả pí lù” và nó đã trở thành “gu” của không ít người uống cà phê Việt Nam... Vì vậy, hiện nhiều DN có thương hiệu đang phải chạy đua để giành lại thị phần.

Cuộc đua gay cấn

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng hiện thị trường nội địa có khoảng 30 thương hiệu cà phê, nhưng vấn đề phân khúc thị trường, phát triển sản phẩm theo “gu” của từng giới vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo tiến sĩ Lê Ngọc Báu, lượng cà phê tiêu thụ trong nước của chúng ta vẫn thuộc loại thấp so với thế giới, chỉ tiêu thụ khoảng 5%- 7% lượng cà phê sản xuất ra. Bình quân mỗi người dân Việt Nam chỉ uống khoảng nửa ký cà phê trong một năm.
Mới đây, Tuần lễ văn hóa cà phê 2007 diễn ra tại TP Hà Nội và TPHCM với quy mô nhất từ trước đến nay, là dịp để cà phêViệt Nam chinh phục người tiêu dùng nội địa. Chính sức hút từ thị trường này đã khiến nhiều DN đưa ra chiến lược khai thác sân nhà. Công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai), đơn vị xuất khẩu cà phê lớn thứ 4 cả nước, đã xây dựng thương hiệu S-Café, có kế hoạch phát triển 3 dòng sản phẩm chủ đạo là Scafé-Start, Scafé-Romance và Scafé-Origin hợp với “gu” uống đa dạng của người Việt Nam. Cà phê Moment dù mới xuất hiện nhưng đang có chiến lược khuếch trương thương hiệu trong năm 2008.
Ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, cho biết ngay sau khi chính thức đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê với công suất khá lớn tại Bình Dương, Vinamilk sẽ dành riêng 2 triệu USD để marketing cho cà phê Moment để đạt được mục tiêu chiếm 5% thị phần tại Việt Nam trong năm đầu. Đứng đầu về thị trường cà phê nội địa, với doanh thu chiếm 75%-80% tổng doanh thu, tham vọng của Công ty CP Vinacafé Biên Hòa là sẽ tăng trưởng 25% so với thị trường cà phê cả nước trong năm tới. Hiện đơn vị này cũng đang đầu tư nhà máy công suất 3.200 tấn/năm để đẩy mạnh sản xuất đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Cần sự phối hợp

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu cho rằng, cà phê nói chung và cà phê rang xay tại Việt Nam là thị trường siêu lợi nhuận, nhưng cũng cạnh tranh khá quyết liệt. Nếu chỉ có mỗi mình DN chạy đua để cạnh tranh mà không có sự phối hợp của nhiều đầu mối là rất khó và thậm chí còn xảy ra hiện tượng giẫm đạp nhau. Chuyên gia cao cấp Đoàn Triệu Nhạn cho rằng, lâu nay Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến thị trường cà phê nội địa. Bằng chứng là chưa có nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này mà đa phần chỉ là võ đoán hoặc chỉ là nghiên cứu nhỏ, lẻ ở một, hai TP lớn. Cái chính là phải có chiến lược, hoạch định để DN phân khúc từ đó mới đáp ứng nhu cầu của thị trường vốn đã đa dạng như hiện nay. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cho biết, bộ sẽ phối hợp các Cục Khuyến nông, Hiệp hội Cà phê- Ca cao, DN và nông dân... để định hướng cho sự phát triển của cà phê Việt Nam trong thời gian tới.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường