Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thắng lớn trong lĩnh vực thuỷ sản: Kinh nghiệm của Bình Định
08 | 01 | 2008
- Sau nhiều năm đắm chìm trong nỗi buồn vì làm ăn "thất bát", năm nay ngành thuỷ sản Bình Định có quyền tự hào, nở nụ cười rạng rỡ. Bởi 2007 là năm "đại thắng" trên mọi lĩnh vực của ngành.

Ấn tượng trên mọi mặt trận

Nhớ lại ngày cũ, ông Đinh Văn Tiên, Phó giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Định không khỏi ngậm ngùi: “Khoảng thời gian từ 2002 đến 2006, chúng tôi hoạt động với "thành tích" rất đáng buồn, ở mọi lĩnh vực, năm sau đều “tuột” hơn năm trước. Nuôi trồng thì “gục ngã” trước nhiều thất bại liên tiếp. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu “xếp hàng” bên bờ vực phá sản…”.

Nhưng năm nay, những “chuyện buồn” nói trên chỉ còn là “dĩ vãng”. Những con số ấn tượng có thể “kể chuyện làm ăn” của ngành: Tổng sản lượng hải sản khai thác trong năm 2007 ước đạt 114.340 tấn (tăng 8,1%), riêng cá ngừ đại dương đạt 3.500 tấn (tăng 62,8%). Mặc dù phải “oằn lưng” gánh chi phí do giá xăng dầu tăng nhưng nhờ nâng cao năng lực khai thác hải sản cả về số lượng lẫn công suất tàu thuyền, nhất là số lượng tàu đánh bắt xa bờ nên kết quả tăng rõ rệt. Khai thác tôm hùm giống cũng có một năm “vào cầu”, được mùa, được giá. Sản lượng lên tới 290.000 con, có thời điểm giá đạt 220.000 đồng/con.

Bình Định đã nuôi trồng được 4.514ha thuỷ sản 2 vụ. Rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay ngành đã có khuyến cáo và tăng cường công tác giám sát, siết chặt kiểm dịch tôm giống để phòng tránh những rủi ro xấu có thể đến với loài thuỷ sản tiềm năng này. Bên cạnh đó, ngành khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường, chuyển diện tích bị dịch bệnh nhiều năm liền sang nuôi tổng hợp. Mặc dù vẫn bị sự “đỏng đảnh” của thời tiết gây hại khoảng 32,4% diện tích nuôi vụ 1 và 14% diện tích vụ 2 nhưng ngành đã kịp thời can thiệp, kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi, triển khai chương trình phòng chống bệnh tôm nên ngăn chặn được sự lây lan. Nhờ đó, sản lượng tôm nuôi đạt 3.000 tấn (tăng 29,9% so với năm 2006). Năng suất đạt mức cao nhất từ trước đến nay, điển hình ở Hoài Nhơn với 3,17 tấn/ha/vụ, Phù Mỹ 2,73 tấn/ha/vụ; cá biệt, vùng nuôi tôm chân trắng đạt 10 tấn/ha/vụ.

Tuy nhiên, thành tích đáng kể nhất trên đường phát triển của thuỷ sản Bình Định là lĩnh vực chế biến, xuất khẩu. Nhắc đến điều này, ông Tiên không giấu nổi nụ cười và sự phấn chấn: “Tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản năm 2007 xấp xỉ 31 triệu USD, tăng 33,7% so với năm 2006, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 25 triệu USD (tăng 54,9%) và giá trị sản phẩm tham gia xuất khẩu đạt 6%. Các mặt hàng chủ lực như hải sản đông lạnh, hải sản tươi sống đều có mức tăng trên 40%. Chế biến thuỷ sản nội địa cũng có kết quả khả quan, nhất là chế biến nước mắm. Năm nay sản lượng nước mắm ước đạt 15 triệu lít, tăng 12,7% và thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng”.

Chú trọng chế biến xuất khẩu

Lý giải về nguyên nhân “thắng lớn” của ngành chế biến xuất khẩu, ông Tiên bật mí: Trước năm 2002, thị trường luôn ổn định nên kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ở Bình Định tăng trưởng đều. Thấy “ngon ăn”, sau năm 2002, các nhà máy chế biến trong tỉnh đồng loạt tăng công suất, từ 4.500 tấn sản phẩm/năm tăng lên 9.000 tấn/năm. Với mức phát triển này, mỗi năm Bình Định cần 18.000 tấn sản phẩm nguyên liệu. Thế nhưng chính thời điểm đó, nguồn nguyên liệu sụt giảm nghiêm trọng do dịch bệnh hoành hành, người nuôi không cầm cự nổi phải bỏ trắng hồ. Sản lượng đánh bắt thấp, chất lượng lại không đảm bảo do khâu bảo quản kém nên chỉ có khoảng 15% sản lượng khai thác là đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. “Bí” quá, các doanh nghiệp khắc phục bằng cách nhập nguyên liệu nước ngoài. Tuy nhiên, vì không có kinh nghiệm nên nguồn nguyên liệu nhập còn tồn dư nhiều chất kháng sinh, các doanh nghiệp liên tiếp thua lỗ. Qua nhiều năm “vấp ngã”, họ đã rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình. Đó là luôn chọn lựa kỹ nguồn nguyên liệu. Sau nhiều thử nghiệm, mỗi doanh nghiệp đều xác lập nguồn đáng tin cậy và tạo quan hệ bền vững, gây dựng hệ thống thu mua từ các tỉnh khác. Nhờ làm chủ được nguồn nguyên liệu nên hoạt động xuất khẩu thuỷ sản ở Bình Định đã tăng tốc đột biến. Theo đó, thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng. Hiện sản phẩm thuỷ sản của Bình Định đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, thâm nhập được cả những thị trường “khó tính” như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Hàn Quốc…

Đi đầu trên con đường phát triển của ngành là Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình Định. Năm nay toàn ngành đạt 25 triệu USD, trong đó Công ty đóng góp 16 triệu USD. Ông Tiên khẳng định: “Đây không phải là thành công “may rủi” mà là nỗ lực vượt khó của ngành. Thành công này sẽ là bước “khởi động” cho những phát triển mới!”.



Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường