Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm thương hiệu cho cao su Việt Nam
10 | 01 | 2008
Tuy nhiên, cao su xuất khẩu của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là cao su nguyên liệu dạng thô, sơ chế, trong khi đó, giá cao su thành phẩm và sản phẩm được chế biến từ cao su thường cao gấp nhiều lần so với cao su xuất khẩu thô. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành cao su cần có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả, tăng giá trị xuất khẩu.

Hạng 4 xuất khẩu cao su

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, nhu cầu thị trường thế giới về cao su ngày một tăng mạnh, trong khi đó tình trạng cung luôn thấp hơn cầu, nhất là nhu cầu sử dụng cao su của các nước nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... hàng năm đều tăng cao.

Đồng thời, hầu hết các nước sản xuất cao su lớn trong năm 2007, đều sụt giảm về sản lượng do nhiều nguyên nhân như: Thái Lan do mưa lớn và diện tích trồng cao su giảm nên sản lượng giảm khoảng 1,5%, xuống khoảng 3 triệu tấn; Indonesia cũng bị mưa lớn và thời điểm cây cao su cho ít mủ, nên sản lượng cũng giảm tương đối nhiều… dẫn đến khả năng thiếu cao su là rất lớn.

Việt Nam hiện đứng hàng thứ 4 thế giới về xuất khẩu cao su, sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong năm 2007, các doanh nghiệp Việt Nam đã cố gắng nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu nên sản lượng xuất khẩu mới có thể chạm tới ngưỡng 760 ngàn tấn.

Được biết, Việt Nam xuất khẩu 80% sản lượng mủ cao su sản xuất trong nước, còn lại phải mua cao su từ Thái Lan, Campuchia và Indonesia để tái xuất. Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu cao su đến 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc (chiếm tới 64%), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Hoa Kỳ...

Theo Hiệp hội Cao su, nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc là 1,7 triệu tấn/năm, trong khi sản xuất không đáp ứng nổi nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến. Trong năm 2008, tiêu thụ của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 8%, vì vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nước xuất khẩu cao su lớn vào Trung Quốc.

Nâng cao hàm lượng chế biến cao su

Theo Hiệp hội Cao su, trên thực tế, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm cao su tự nhiên chưa được xử lý, với gần 60% là cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật và cao su tự nhiên ở dạng nguyên thủy.

Mặc dù những năm gần đây ngành cao su cũng được quan tâm đầu tư, nhưng hình thức gia công quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ và năng suất cũng chưa thực sự đạt được cao. Trong khi đó, những mặt hàng thị trường cần và có giá cao như cao su ly tâm, SVR 10, 20… thì Việt Nam sản xuất ít, chủ yếu là sản xuất các loại SVR 3L giá thấp, thị trường trên thế giới cần ít (ngoài Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều) nên vẫn bị phụ thuộc rất lớn vào thị trường này.

Một điểm yếu nữa của cao su Việt Nam là hầu như không có thương hiệu trên thị trường nên luôn phải bán với giá thấp hơn so với các nước khác.

Từ những thực tế trên, năm 2008, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành. Theo đó, ngành chế biến cao su cần phải đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, giảm tỷ trọng cao su xuất khẩu dạng thô, từng bước nâng cao hàm lượng chế biến; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm như sản xuất các loại mủ Latex, CV, SVR10, RSS... nhằm thích ứng với một số thị trường khác như EU, Bắc Mỹ, giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, ngành cũng sẽ đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài sản xuất các sản phẩm chế biết từ cao su như săm lốp, găng tay, phao cứu sinh... để nâng cao giá trị gia tăng cho xuất khẩu trong thời gian tới.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường