Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiep kho vi qui dinh "da" nhau
27 | 08 | 2007
Ngày 8.9.2006, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành Quyết định số:12/2006/QĐ-BTNMT về việc ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Quyết định này đã tháo gỡ phần nào những vướng mắc hiện nay cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ lấy thép phế liệu.

Tuy nhiên, khi xem xét dưới góc độ quy phạm pháp luật, đối chiếu với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi bổ sung ngày 16.12.2002), Luật Bảo vệ môi trường ban hành ngày 29.11.2005, Nghị định số 49/2006/NĐ-CP, ngày 18.5.2006 của Chính phủ về đăng ký và mua bán tàu biển, Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9.8.2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của quyết định nói trên có một số điều cần phải được làm rõ.

Tại Điều 2 của quyết định 12/2006 có quy định: “Việc nhập khẩu phế liệu phải thực hiện theo các quy định tại Điều 42 và 43 của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật có liên quan”. Đối chiếu với điểm a, c khoản 1, Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường, dễ dàng nhận ra rằng theo quyết định này, Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ cho phép nhập khẩu thân, vỏ tàu biển (kể cả sà lan) đã qua sử dụng sau khi đã được tháo gỡ, loại bỏ dầu, mỡ, cao su, v.v. tại nước hoặc lãnh thổ xuất khẩu. Quy định này cũng hoàn toàn không trái với điểm b, khoản 2, Điều 42 của Luật Bảo vệ môi trường về việc cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ.

Nhưng sự việc không có gì bàn cãi nếu trước đó Chính phủ không ban hành Nghị định số 49 cho phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ (khoản 2, Điều 23, Nghị định 49).

Nếu xét về thứ bậc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì hiệu lực pháp lý của quyết định số 12 thấp hơn Nghị định số 49. Hơn nữa, căn cứ vào Điều 2, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định “văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên”, và “văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành”.

Vậy trong trường hợp này, khi nội dung của quyết định 12 không phù hợp với Nghị định 49, nhưng phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường thì phải xử lý như thế nào?

Theo chúng tôi, cho đến thời điểm hiện nay, khi Nghị định 49 chưa được Thủ tướng Chính phủ sửa đổi hoặc đình chỉ thi hành thì vẫn còn nguyên hiệu lực và phải được nghiêm chỉnh thi hành (khoản 1, Điều 9, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ khoản 2, Điều 23 của Nghị định 49, vì điều khoản này trái với điểm b, khoản 2, Điều 42 của Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực pháp lý cao hơn).

Từ tình huống pháp lý nêu trên, chúng tôi nhận thấy rằng, thời gian gần đây, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã bảo đảm được đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục ban hành. Tuy nhiên một số văn bản quy phạm pháp luật đã tỏ ra không theo kịp và phù hợp với môi trường quản lý kinh tế, thể hiện ở chỗ nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không đồng bộ, tạo ra những khó khăn cho doanh nghiệp, công dân khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ kinh doanh của mình. Không những thế, nếu những khiếm khuyết này không được nhanh chóng khắc phục sẽ tạo nên một “ma trận” là môi trường tốt cho những tiêu cực phát sinh từ đội ngũ cán bộ thi hành.



Luật sư Lê Thành Kính - sgtt
Báo cáo phân tích thị trường