Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tình hình kinh tế Hà Lan và quan hệ thương mại với Việt Nam
10 | 07 | 2007
Vụ châu Âu xin điểm qua tình hình kinh tế, thương mại của Hà Lan trong năm 2005 và sáu tháng đầu năm 2006, đồng thời, cập nhật một số thông tin về quan hệ thương mại Việt Nam và Hà Lan trong thời gian này
Điểm tình hình giá cả, lạm phát, thị trường Hà Lan
Chi phí dịch vụ gia đình ngày càng tăng. Năm 2005 hơn một nửa chi phí gia đình là dành cho nhà ở, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm điện thoại, khách sạn và nhà hàng, trong khi mười năm trước là 48,5%. Năm 2005 chi dịch vụ tăng 80% gần 133 tỉ Euro, hàng hoá 113 tỉ Euro tăng 50% so với năm 1995. Do giá dịch vụ tăng cao hơn so với giá hàng hoá (giá dịch vụ tăng 34%, hàng hoá 20%). Cân đối chi phí dịch vụ tăng 37%, hàng hoá tăng 23%. Lớn nhất trong chi phí dịch vụ là nhà ở khoảng 16%, điện thoại 4%, tuy nhiên một số lĩnh vực khác lại giảm như khách sạn, nhà hàng,… Chi hàng hoá giảm từ 51% xuống 46% so với 1995. Trong đó chi cho đồ uống, thực phẩm, thuốc lá 16,5% đến năm 2005 còn 13,6%, đồ dùng lâu bền từ 21,2% còn 18,7%, hàng khác ít đổi.

Năm 2005, trung bình mỗi người Hà Lan uống 78 lít bia, thấp hơn 9% so với năm 1995, nhưng rượu vang lại tăng 28% khoảng 21 lít/người. Bia tiêu thụ trong nước giảm nhưng sản xuất vẫn duy trì 2,5 tỉ lít/năm. Là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới sau Mexico và Đức, chiếm hơn 60% sản lượng khoảng 1,6 tỉ lít, trị giá 1,3 tỉ Euro. Xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ chiếm 50% lượng xuất khẩu và tăng khoảng 60% trong 10 năm gần đây. Rượu vang nhập khẩu các năm gần đây tăng đều, năm 2005, Hà Lan nhập khẩu 400 triệu lít rượu từ các nước Nam Phi, Trung-Nam Mỹ và Úc.

 
Về kinh tế, trong quí II, kinh tế Hà Lan phát triển mạnh, GDP tăng 2,8% so quí 2/2005 (1,2% so với quí I/2006) dù ngày làm việc ít hơn 1 ngày. Đây là tốc độ phát triển cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Xuất khẩu chiếm vai trò quan trọng nhất, tiêu dùng trong nước phục hồi và kinh doanh buôn bán thuận lợi. Kinh tế quí II tăng 0,4 % điểm do các chỉ số công nghiệp, xây dựng và chăm sóc sức khoẻ,… đều cao hơn dự báo ban đầu. Xuất khẩu đạt tốc độ cao (6,9%), nhất là các hàng sản xuất trong nước, nhưng tái xuất vẫn chiếm tỉ trọng cao hơn trong việc xuất khẩu hàng hoá. Nhập khẩu tăng ngang bằng với xuất khẩu do nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và tái xuất. Trong quí, sản lượng các ngành đều tăng nhưng cao nhất là dịch vụ thương mại (đại lý, bán buôn và ngân hàng). Sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp hoá chất, kim loại tăng khá, tuy nhiên lĩnh vực năng lượng tăng thấp do nguồn điện tập trung ít và việc cung cấp khí ga. Quí II/2006 chi tiêu chính phủ tăng 2,1%, tiêu dùng gia đình tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2005 .

Năm 2005, tại Hà Lan, hơn 40 nghìn công ty mới ra đời, tạo thêm 56,6 nghìn công ăn việc làm. Trong đó, khoảng 8 nghìn về xây dựng, nhiều hơn năm trước 2,5 nghìn. Lĩnh vực tư vấn phát triển với tốc độ nhanh, đạt 8% trong năm 2005 và 11% trong năm 2006. Ngoài ra, trong các lĩnh vực buôn bán qua mạng và công nghệ thông tin,  nhiều công ty mới hình thành .

 
Năm 2005, xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ Hà Lan tăng mạnh, đạt 75 triệu tấn (tăng 7% so với năm 2004), lớn nhất trong các nước EU. Nhập khẩu dạng thô đạt 106 triệu tấn gồm dầu thô, ga và khí hoá lỏng tự nhiên, trong đó, từ Nga chiếm hơn 1/4 (chủ yếu dầu thô), ngoài ra Ả rập Xê út, Na Uy và Algiê là các nước cung cấp nhiều. Tuy nhiên, gần một nửa lượng dầu thô nhập khẩu được tái xuất ngay. Có thể coi Hà lan là nơi chuyển tải hàng hoá này.
 
Trong nửa đầu năm 2006, người dân Hà Lan chi tiêu dùng tín dụng giảm, chi trả cá nhân tăng. Tổng tín dụng 6 tháng đầu năm 2006 là 4,7 tỉ euro, năm trước là 5 tỉ euro. Đến cuối tháng 6/2006, nợ tín dụng chỉ có 0,8 tỉ, thấp hơn so năm trước. Có sự thay đổi trong hình thức tín dụng: Tín dụng tuần hoàn 2,6 tỉ; 1,5 tỉ (grantis) cho vay trước và 0,6 tỉ cho các khoản cố định.
Lạm phát tháng 9/2006 thấp, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2005 (tháng 8 1,4%), do giá dầu mỏ giảm. Tỉ lệ này cũng giảm trong các nước EU. Ngoài giá dầu, đồ vải vóc, quần áo cũng giảm, tuy nhiên, các loại đồ thực phẩm như rau, khoai tây giá vấn tăng cao, đặc biệt các loại rau tươi giá tăng đến 33% so với cùng kỳ 2005. Theo phương pháp Châu Âu, tỷ lệ lạm phát tại Hà Lan là 1,5%, tháng 9/06 thấp hơn tháng 8 0,4% điểm.
 
Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2006, lượng người thất nghiệp tại Hà Lan chỉ có khoảng 400 nghìn người, giảm 5 nghìn người so với 2 tháng trước. Cùng kỳ năm 2005, có khoảng 490 nghìn người thất nghiệp, sau một năm giảm gần 90 nghìn người, trung bình giảm7 nghìn người/tháng. Lượng trẻ thất nghiệp giảm còn khoảng 100 nghìn người.

Trong sáu tháng đầu năm 2006, công nghiệp hoá chất Hà Lan phát triển, tăng 6,5% về khối lượng, doanh số tăng 15% do lượng tăng 8%, giá tăng 7% (chủ yếu do tác động của giá dầu lửa). Năm 2005, ngành công nghiệp này đạt giá trị sản lượng 43 tỉ euro, chiếm 20% tổng trị giá sản phẩm ngành công nghiệp sản xuất, xuất khẩu đạt 33 tỉ euro sang các nước lân cận Đức, Bỉ,...

 
Quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Hà Lan
 
Trong 8 tháng đầu năm 2006, kim ngạch hai chiều đạt 765,47 triệu USD, tăng 20,71% so cùng kỳ năm 2005, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 541,73 triệu USD, tăng 27,54%, nhập khẩu đạt 223,74 triệu USD, tăng 6,84% so cùng kỳ 2005.
 
Các mặt hàng xuất khẩu đạt tăng trưởng bao gồm hải sản đạt 59,73 triệu USD (tăng 167,32%); rau quả đạt 5,91 triệu USD (tăng 20,09%); cà phê 22,57 triệu USD (tăng 107,54%); chè 1,56 triệu USD (tăng 72,05%); hạt tiêu 12,61 triệu USD (tăng 38,83%); sản phẩm chất dẻo 10,51 triệu USD (tăng 93,27%); sản phẩm mây-tre-cói-thảm 4,96 triệu USD (tăng 55,27%); gỗ và sản phẩm gỗ 34,02 triệu USD (tăng 21,15%); hàng dệt may 76,66 triệu USD (tăng 52,09%); máy vi tính và linh kiên 38,50 triệu USD (tăng 289,07%); cao su 1,83 triệu USD (tăng 107,61%).
 
Một số mặt hàng giảm là giày dép 144,71 triệu USD (giảm 12,1%); gốm sứ 6,9 triệu USD (giảm 6,28%); xe đạp và phụ tùng 2,73 triệu USD (giảm 20,88%); than đá 7,73 triệu USD (giảm 18,70%).
 
Nhìn chung tình hình thị trường và chính sách nước sở tại vẫn thuận lợi cho quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương


Theo Vụ Châu Âu
Báo cáo phân tích thị trường