Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tháng bán hàng khuyến mãi: cần thay đổi
01 | 10 | 2008
Tháng bán hàng khuyến mãi của TP.HCM diễn ra lần này là lần thứ năm, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng cần nhìn lại thời điểm, hình thức tổ chức tháng bán hàng khuyến mãi.

Chỉ có doanh thu 1 siêu thị tăng mạnh

Một trong những đơn vị có doanh thu tăng mạnh là hệ thống Co.opmart: với mức đầu tư khuyến mãi đến 25 tỉ đồng, tổng kết cho thấy tổng doanh thu tăng gần 50%, lượng khách mua sắm tăng gần 30% so cùng kỳ.

Nhưng trong mức tăng doanh thu này có sự góp phần đáng kể của mức tăng giá các mặt hàng tiêu dùng từ 5% đến trên 30% tùy loại sản phẩm, quan trọng hơn là có sáu siêu thị Co.opmart mới ra đời. Bên cạnh đó tháng khuyến mãi hàng Việt Nam chất lượng cao ở hệ thống Co.opmart cũng tình cờ trùng hợp với tháng khuyến mãi do Sở Công thương tổ chức góp phần đẩy doanh số tăng.

Ở hệ thống Maximark, doanh thu cũng tăng khoảng 30%. Nhưng bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, chủ đầu tư Maximark, nhấn mạnh: “Mức tăng này là dựa trên cơ sở so sánh nếu không có khuyến mãi. Mà trên thực tế gần như tháng nào doanh thu siêu thị cũng tăng vì tháng nào cũng có khuyến mãi”.

Ở trung tâm thương mại Zen Plaza, doanh thu cũng tăng 8%. Bà Triệu Thị Hương Giang, phó tổng giám đốc Zen Plaza, nói: “Mức tăng chủ yếu ở các quầy có mức giảm giá 20-50% là nhờ Zen Plaza có 10 ngày siêu khuyến mãi sau khi tạm nghỉ để sửa chữa tân trang”.

Tại các chợ Tân Định, Bà Chiểu, Phạm Văn Hai…, tiểu thương cho biết chợ chỉ đông nhất vào buổi sáng các ngày nghỉ cuối tuần do khách đi mua thực phẩm, còn sau đó hàng nào cũng vắng khách như nhau. Bà Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, nói: “Người ta ùn ùn kéo vào siêu thị là vì khuyến mãi bột ngọt, dầu ăn, nước tương… còn chợ đâu có đàm phán được với nhà cung cấp để đòi tài trợ, nên có tháng khuyến mãi cũng chẳng thấy có gì khác”.

Nên thay đổi

Ông Phan Hồng Đức, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế quận 5, cho biết: “Tháng khuyến mãi thật sự chưa cải thiện được doanh thu của các tiểu thương. Các tiểu thương tham gia khuyến mãi như một phong trào chứ không mặn mà lắm. Thời gian từ rằm tháng 7 đến giữa tháng 8 âm lịch, sức mua không có dấu hiệu tăng. Hi vọng đến cuối tháng khuyến mãi tình hình sẽ khả quan hơn”.

Bà Ánh Hồng nhận xét: “Nét mới của tháng khuyến mãi năm nay là có thêm quảng cáo trên tivi và một số tờ báo. Nhưng đến lần thứ năm mà quảng cáo chưa hấp dẫn, tháng khuyến mãi chưa tổ chức thành một sự kiện thu hút người tiêu dùng trong thành phố đi mua sắm, người tiêu dùng các nơi khác đổ về như Thái Lan, Singapore, Malaysia đang thu hút khách du lịch từ Việt Nam qua đó mỗi năm”.

Bà Hương Giang nói: “Tôi cho rằng những mặt hàng tiêu dùng thông dụng như thực phẩm, gia dụng thì có thể dùng tháng chín để kích cầu mua sắm. Riêng hàng hiệu, hàng thời trang, mỹ phẩm thì phải kích cầu mua sắm vào dịp khách du lịch đông, vào dịp người dân chuẩn bị cho các đợt nghỉ lễ, đợt cuối năm… Tổng hợp tất cả mặt hàng khác đối tượng, khác phân khúc tiêu dùng vào cùng tổ chức khuyến mãi thì khó mà khai thác được hiệu quả”.



Nguồn: Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường