Trong tháng 1, các nước châu Phi đã lọt vào danh sách 10 nhà nhập khẩu gạo hàng đầu của Thái Lan, đặc biệt là Benin. Tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn.
Sở dĩ các nước châu Phi tăng nhập khẩu gạo Thái trong thời gian gần đây là do kể từ năm ngoái, nguồn cung gạo từ Ấn Độ thiếu nên các nhà chức trách Ấn Độ đã tạm ngưng xuất khẩu gạo non-basmati, gồm cả gạo sấy, bằng việc xác lập giá xuất khẩu tối thiểu ở mức 500 USD/tấn và tăng lên 600 USD/tấn trong năm nay. Ấn Độ đang cố gắng giảm xuất khẩu gạo để giành cho tiêu thụ trong nước sau khi nhiều cánh đồng lúa đã bị thiệt hại do thời tiết xấu.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái cũng gặp may mắn khi vào tháng 7 năm 2007 Việt Nam ra thông báo cấm xuất khẩu gạo, giảm lượng xuất khẩu xuống khoảng 4,6 triệu tấn, lượng tương tự như mức dự kiến xuất khẩu năm nay.
Năm 2007, Mozambique, Angola, Senegal, Togo và Ghana là những quốc gia hàng đầu nhập khẩu gạo trắng của Thái , với tốc độ tăng rất cao, đặc biệt là Senegal đã nhập trên 136.000 tấn với mức tăng 3.49% so với năm 2006.
Theo ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo, người tiêu dùng châu Phi tại các vùng ven biển phía đông chuộng gạo chất lượng cao hơn, đặc biệt là gạo trắng, phản ánh thu nhập tăng ở châu lục này.
Gạo sấy được khách hàng vùng ven biển miền tây ưa chuộng, giúp châu Phi trở thành khách hàng mua gạo Thái lớn nhất trong năm ngoái với 3,89 triệu tấn, chiếm 41% tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái.
Năm 2007, xuất khẩu gạo sấy của Thái tăng 28,5% so với năm 2006, đạt 2,13 triệu tấn. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất loại gạo này của Thái gồm Benin, Nam Phi và Yemen. Gạo sấy khi nấu sẽ không bị nát và vẫn giữ được nhiều vitamin và muối khoáng.