Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê và thị trường nội địa
11 | 05 | 2009
Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, chủ yếu dành cho xuất khẩu. Gần đây, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và rào cản thương mại nên các doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa.

Nhưng công việc này lại không hoàn toàn thuận lợi khi nhiều doanh nghiệp còn thiếu thông tin về mức tiêu dùng và thị phần, hoặc không chắc chắn về thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, không rõ các nhóm khách hàng cần gì...

Người Hà Nội thích uống cà phê ở nhà

Kết quả điều tra từ 540 gia đình, 60 người uống cà phê tại quán và 40 quán cà phê tại Hà Nội và Tp.HCM do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện cho thấy, tiêu dùng cà phê vẫn tăng lên cả lượng và giá trị.

Tiêu dùng khu vực thành thị tăng hơn nông thôn hai lần với dạng bột tăng và cà phê hòa tan giảm. Nông thôn có lượng tiêu dùng thấp nhưng tốc độ tăng nhanh, trong đó dạng bột và hòa tan đều tăng.

Khảo sát từ Viện này cho thấy khách hàng ở độ tuổi thanh niên và vị thành niên có mức tăng tiêu thụ cà phê nhanh nhất, cả về cà phê bột và cà phê hòa tan. Nhóm thanh niên và trung niên có mức độ tiêu dùng cà phê cao nhất. Nhóm tuổi già tăng mức tiêu thụ rất ít và chỉ tăng lượng tiêu thụ cà phê bột.

Xét về ngành nghề, những người làm việc nhiều về trí óc và có kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật viên tiêu thụ cà phê nhiều nhất. Mức tiêu thụ cũng tăng mạnh ở lao động giản đơn.

Miền Nam có lượng tiêu thụ cao gấp 4 - 5 lần so với miền Bắc và miền Trung. Khảo sát ở hai thành phố lớn cho thấy, năm 2008, bình quân một gia đình ở Tp.HCM tiêu dùng 6,1 kg cà phê/năm, cao gấp 3 lần so với ở Hà Nội. Tại Tp.HCM, cà phê được uống tại quán nhiều hơn. Ngược lại, Hà Nội uống tại nhà nhiều hơn và có một nhóm đáng kể uống ở văn phòng.

Loại cà phê được ưa chuộng ở hai thành phố cũng khác nhau. Tp.HCM chủ yếu dùng cà phê bột, còn Hà Nội chủ yếu là cà phê hòa tan. ở Hà Nội, việc tặng quà bằng cà phê khá phổ biến với dạng cà phê hòa tan.

Khách hàng quan tâm khi mua cà phê để tiêu dùng tại nhà là khẩu vị, chủng loại, nhãn hiệu, sau đó mới đến giá bán, bao bì và nơi mua. Khảo sát chỉ ra rằng hạn chế chính trong tiêu thụ cà phê là các hộ chưa có thói quen và không biết cách chọn cà phê. Họ cũng lo ngại về cà phê giả, chất lượng của cà phê hòa tan (để có thể thay thế cà phê pha).

Có thể bán cà phê tại các điểm... bán xăng

Ông Carlos Henrique Jorge Brnado, Giám đốc P&A Marketing International cho biết, đối với Việt Nam có thể áp dụng các hình thức trưng bày gồm đóng bao gói nhỏ, giới thiệu mẫu sản phẩm đến tận hộ gia đình, thiết lập các mô hình cửa hàng khác nhau cho các thị trường khác nhau, biểu diễn quảng cáo tại các khu vực công cộng và khu mua sắm.

Có thể bán cà phê tại các điểm bán xăng và các cửa hàng tiện ích, quán cà phê di động trên các xe tải nhỏ, khuyến khích các bên xúc tiến tiêu dùng trong nước...

Thông qua khảo sát về thị hiếu tiêu dùng cà phê ở thị trường nội địa, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng nêu các giải pháp đẩy mạnh các chương trình quảng cáo và xúc tiến thương mại cho tiêu thụ cà phê nội địa, chú trọng đến truyền thông và hội chợ.

Viện này lưu ý việc thiết lập hệ thống thông tin và đánh giá nhu cầu của người tiêu dùng cà phê hàng năm, đặc biệt tại thị trường nông thôn; kiểm soát chặt chẽ chất lượng cà phê bán lẻ; hỗ trợ hệ thống bán lẻ cà phê tại khu vực nông thôn, trong đó chú trọng tới cà phê hòa tan; hỗ trợ các nghiên cứu về công nghệ chế biến cà phê, nhằm nâng cấp chất lượng sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp, Viện cho rằng cần định hướng chiến lược vào thị trường nông thôn, giới trẻ, cà phê hòa tan, hạ giá thành và giá bán lẻ; lưu ý hơn đến khẩu vị và phong cách uống của nhóm thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp; ưu tiên phân khúc thị trường. Như đối với cà phê hòa tan tại nhà, tiềm năng ở Hà Nội là nam giới, tuổi già, lãnh đạo, thợ thủ công; ở Tp.HCM là nam giới, trí thức, thu nhập cao.

Còn cà phê bột tại nhà, tiềm năng ở Hà Nội là nhân viên dịch vụ, kỹ thuật viên; ở Tp.HCM là nhân viên văn phòng, thợ thủ công, lực lượng vũ trang. Riêng cà phê tại quán, tiềm năng ở Hà Nội và Tp.HCM là nữ giới.



Nguồn: vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường