Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sở hữu trí tuệ sẽ nóng trong thời kỳ hậu WTO
21 | 09 | 2007
Không phải chuyện giảm thuế, chuyện nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực phân phối hay ngân hàng mà chính chuyện sở hữu trí tuệ sẽ nóng lên sớm nhất sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế.

Ông Phạm Đình Chướng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết hiện hầu hết các đơn xin cấp bằng sáng chế (patent) được nộp lên cục trong vòng 10 năm qua chủ yếu là của nước ngoài. Số đơn xin patent của người VN từ năm 1995-2005 trung bình chỉ chiếm 6% tổng số đơn xin patent nộp tại VN và số được cấp chỉ chiếm 2,2%.

Hầu hết các sản phẩm, công nghệ mới đều được tạo ra ở nước ngoài, hoặc thuộc quyền kiểm soát của nước ngoài và việc sử dụng, nhập khẩu vào VN các sản phẩm, công nghệ đó bị khống chế bởi quyền của chủ sở hữu. Vấn đề là ở chỗ, không như trước đây, sự thiếu nghiêm minh của luật pháp còn tạo khe hở cho người vi phạm, từ nay cả Chính phủ và người dân sẽ phải chấp nhận luật chơi quốc tế. Từ nay, người nước ngoài sẵn sàng kiện tụng để đòi quyền lợi của họ vì họ nhận được sự đảm bảo pháp lý mang tính quốc tế.

Luật sư Việt Anh thuộc Văn phòng Luật Phạm và liên danh nói, VN không còn thời gian để trì hoãn trong vấn đề sở hữu trí tuệ nữa. Chẳng hạn, lâu nay khi phát hiện một chiếc xe gắn máy bị làm nhái kiểu dáng của hãng Honda, cùng lắm thì cơ quan chức năng của Việt Nam chỉ có thể thu hồi phần nhựa để phá hủy. Nhưng tới đây, Công ty Honda hoàn toàn có thể yêu cầu phá hủy toàn bộ chiếc xe để đảm bảo rằng sản phẩm đó sẽ không xuất hiện trở lại trên thị trường.

Không chỉ vậy, VN cũng sẽ phải điều chỉnh các quy định về xử phạt cho phù hợp. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, xử phạt hành chính thật nặng vẫn là giải pháp được coi trọng hơn cả. Tuy nhiên, ở VN, mức xử phạt hiện nay vẫn còn quá nhẹ, tối đa là 100 triệu đồng (theo quy định của Nghị định 12/1999/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ). Vậy mà trong thực tế, mức xử phạt cao nhất từ trước tới nay cũng chỉ là 75 triệu đồng (trường hợp vi phạm của Công ty Lisohaka).

“Bảy mươi lăm triệu đồng so với khoản chi hàng triệu đô la Mỹ cho việc thiết kế một chiếc xe máy hoàn chỉnh là không thấm tháp gì. Trong hầu hết các vụ vi phạm hiện nay, cơ quan chức năng chỉ có thể thu giữ khoảng vài chục bộ đồ nhựa của xe máy với trị giá mỗi bộ chỉ 200.000 đồng. Với mức xử phạt như vậy, doanh nghiệp vi phạm sẵn sàng chấp nhận chuyện phạt như một dạng rủi ro bình thường” - luật sư Việt Anh nhận xét.

Chính vì vậy mà trong Nghị định 106/2006/NĐ-CP được ban hành mới đây thay thế cho Nghị định 12, Việt Nam đã đưa vào một quy định là “xử phạt theo giá trị hàng vi phạm”. Đây được coi là điểm mấu chốt để thay đổi cách thức xử phạt như lâu nay.

Theo ông Phạm Đình Chướng, với những nước đang phát triển như VN thì việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao của Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) của WTO trước mắt sẽ tạo ra những khó khăn, thậm chí có tác động xấu trong một số mặt nhưng nếu biết vượt qua những khó khăn, hạn chế trước mắt đó thì về lâu dài sẽ thu được những lợi ích lớn lao.

“Có thể tin tưởng rằng xét về tổng thể, phấn đấu để đưa việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đạt tới chuẩn mực của Hiệp định TRIPS-WTO sẽ mang lại những tác động tích cực cho VN” - ông Chướng nhận xét.

Hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ chưa có điều kiện để đánh giá đầy đủ các tác động tiêu cực trước mắt do các tiêu chuẩn cao của Hiệp định TRIPS-WTO đối với VN, nhưng có thể dự đoán một số tác động. Điều dễ thấy là cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ này đặt các doanh nghiệp và nhà đầu tư của VN vào một môi trường pháp lý phức tạp, buộc họ phải tốn kém chi phí cho việc sử dụng cơ chế này.

Nhưng cho đến hôm nay, rất nhiều người VN còn chưa nắm vững ý nghĩa, nội dung của cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp tưởng rằng hoạt động kinh doanh của mình không liên quan gì đến vấn đề sở hữu trí tuệ nếu mình không có các đối tượng sở hữu trí tuệ được đăng ký. Tuy nhiên, môi trường pháp lý với cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ đã đặt mọi doanh nghiệp vào những ràng buộc và có thể sẽ bị rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp với những người khác.

Tuy nhiên, vẫn theo ông Chướng, những khó khăn, tác động tiêu cực trên đây là tạm thời và không căn bản. Lợi ích lâu dài, căn bản của một cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ đầy đủ, có hiệu quả, phù hợp với Hiệp định TRIPS-WTO đã được khẳng định và chứng minh ở nhiều nơi. Đài Loan, Hàn Quốc là những ví dụ về sự thành công trong nỗ lực kiềm chế tiêu cực, vượt qua khó khăn và họ đang gặt hái những lợi ích lớn của hệ thống sở hữu trí tuệ có hiệu quả.



(Theo VnMedia)
Báo cáo phân tích thị trường