Sáng qua 20/8 chúng tôi có mặt tại vườn tiêu nhà chị Hoàng Thị Sinh, xã Gia Tân 1 (Thống Nhất) thấy tiêu được chăm sóc rất kỹ, hầu hết bón phân chuồng kèm phân vô cơ nên phát triển tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những trụ tiêu xanh tốt xuất hiện nhiều trụ tiêu đổ đốt và đang chết dần. Hiện tượng tiêu bị vàng lá đổ đốt xảy ra khoảng 1 tháng nay ở nhiều vườn tiêu. "Ngay sau khi tiêu có biểu hiện lạ, nhà tôi đã lấy phân xanh rải gốc nhằm giữ ẩm đồng thời phun xịt thuốc nhưng không ăn thua. Gia đình tôi chỉ trông chờ vào gần 6 sào tiêu, năm ngoái được gần 2 tấn, năm nay khó mà được nửa tấn”- chị Sinh âu sầu.
Dẫn chúng tôi qua hộ ông Trần Thái Đăng kế bên thấy tình trạng tiêu chết cũng đang xảy ra trên diện rộng. Nhiều trụ tiêu chỉ còn trơ trụ, đổ đốt đến gần sát gốc không hề cho chùm quả, một số trụ có quả nhưng bị rụng khi còn rất non. Theo ông Đăng, trong số 8 sào tiêu thì tiêu chết tới 1/3 diện tích. Vào thời điểm này hàng năm ông Đăng tiến hành bón phân cho cây tiêu nhưng năm nay gần như bỏ trắng.
Theo tìm hiểu của NNVN tình trạng tiêu chết cũng đang xảy ra rải rác ở nhiều hộ thuộc huyện Cẩm Mỹ. Nông dân Nguyễn Văn Vui ở ấp 3, xã Lâm San cho biết, nhà có 8 sào tiêu năm ngoái thu được trên 2 tấn thế nhưng năm nay vườn tiêu có dấu hiệu thối rễ, héo lá đổ đốt nên sản lượng giảm đáng kể. Đã thế, dù đã mua đủ loại thuốc để phun xịt, bón rễ cũng chẳng ăn thua. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hồi (ấp 4 xã Lâm San) nhà có 1,4ha tiêu thì nay đã có 50 trụ bị bệnh, nhiều trụ gần như trút lá hoàn toàn.
Cẩm Mỹ có khoảng 2.000ha tiêu mỗi năm đem lại cho người dân gần 120 tỷ đồng. Trong 13 xã của Cẩm Mỹ thì xã Lâm San có diện tích tiêu lớn nhất nhưng hiện nay vườn tiêu nơi đây đang bị dịch bệnh đe dọa. Hôm qua 20/8 trao đổi với NNVN, ông Lương Thành Trung – Chi cục trưởng, Chi cục BVTV Đồng Nai cho biết có nghe báo cáo hiện tượng tiêu ở 2 huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ bị chết hàng loạt.
(ĐỨC TRUNG, Báo Nông Nghiệp Việt Nam)