Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình Định: Đã có mô hình trồng ớt mùa mưa
23 | 05 | 2008
Trong những năm gần đây, cây ớt rất được mùa, trúng giá nên diện tích trồng ớt trên địa bàn Bình Định luôn tăng trưởng, có năm lên đến 500 - 600 ha, và ngày càng có nhiều giống ớt mới được bà con đưa vào sản xuất. Thế nhưng chưa có ai trồng được ớt trong mùa mưa dù biết nếu trồng thành công sẽ bán được giá cao ngất ngưởng.
Chưa kể đến mưa to, gió lớn, chỉ cần vài cơn mưa nhỏ trong đợt áp thấp nhiệt đới xảy ra vào giữa tháng 5/2008 vừa qua cũng đủ làm xơ xác các ruộng ớt ở thôn Phò An, xã Nhơn Hưng (An Nhơn). Chị Nguyễn Thị Ánh, vừa khom lưng thu hoạch vớt vát những cây ớt ngã đổ liêu xiêu vừa than thở: "Ớt là loại cây không chịu được mưa gió, chỉ cần nền đất ủng nước là chúng bị xiêu, trốc gốc ngay. Chỉ mưa có 3 ngày mà ớt đã ngả rạp như anh thấy đấy, giờ hái quả chín đợt này xong chắc phải nhổ bỏ, mất đi một lượng ớt còn xanh khá lớn".

Do đó, cứ đến mùa mưa là vắng bóng cây ớt trên những cánh đồng. Thực tế này khiến người trồng ớt rất bức xúc vì qua mùa mưa, đến thời gian gần tết là giá ớt tăng cao ngất ngưởng. Có năm, trước mùa mưa ớt chỉ có giá 4.000 đ/kg thì sang tết giá ớt tăng vọt đến 40.000 đ/kg. Lúc ấy thì người trồng ớt chỉ biết tặc lưỡi tiếc nuối. Tuy nhiên, tin vui đến khi vào mùa mưa năm nay người trồng ớt ở Bình Định đã có "lối thoát". Lối thoát được mở ra cho người trồng ớt ở Bình Định từ mô hình "Trồng ớt thâm canh trong mùa mưa lũ" của Cty TNHH Giống cây trồng Thuận Nông. Mô hình này được thực hiện trong mùa mưa lũ năm 2007 vừa qua và đã cho thành công.

Ông Nguyễn Đình Chương - Giám đốc Cty cho biết: "Từ trước đến nay ở Bình Định chưa ai thâm canh được cây ớt trong mùa mưa lũ. Vào mùa này bà con chỉ trồng được ớt trong chậu, để dưới mái hiên "nấp" mưa với số lượng ít để lấy quả ăn chứ không thể trồng được số lượng nhiều. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã làm mô hình "Trồng ớt thâm canh trong mùa mưa lũ" trên diện tích 400 m2 để trình diễn cho bà con thấy rằng: Chúng ta có thể khắc phục được việc sản xuất cây ớt trong mùa mưa. Cách làm rất đơn giản, ai cũng có thể làm được và không tốn nhiều chi phí. Với nguyên tắc chung là giữ cho cây ớt không bị lung lay, động rễ và không bị úng nước, người trồng ớt chỉ cần thực hiện các biện pháp: đào rãnh thoát nước, phủ bạt nông nghiệp để nước mưa theo mái bạt chảy xuống rãnh thoát đi không làm tác động đến rễ của cây ớt và cắm cọc tre, giăng dây giữ không cho gió làm lay động gốc ớt. Trong mùa này, để cây ớt có nhiều khả năng chống chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết và cho năng suất ổn định, bà con cần chọn những giống cao sản như hạt giống ớt lai 391. Điều đặc biệt cần lưu ý là vào mùa mưa cây ớt bị thiếu ánh sáng cần thiết cho sự quang hợp nên người trồng ớt cần đầu tư cho cây ớt các chế phẩm bổ trợ để bảo vệ và kích thích rễ".

Theo tính toán của ông Chương, trên diện tích 2 sào ớt (1.000 m2), người trồng ớt chỉ tốn khoảng 300.000 đồng mua bạt nông nghiệp. Cọc tre và dây giăng thì chẳng tốn mấy chi phí và dù năng suất cây ớt trong mùa mưa cho không cao, chỉ bằng 2/3 chính vụ nhưng người nông dân vẫn thu được nhiều lãi vì giá ớt lúc ấy rất cao, tăng đến 5 - 10 lần so với chính vụ. Trước sự khả quan của mô hình này, chắc chắn vào mùa mưa năm nay, trên những cánh đồng chuyên canh cây ớt ở Bình Định sẽ không còn cảnh... vắng bóng cây ớt.



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường