Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội xuất khẩu dứa của Việt Nam sang EU
08 | 05 | 2008
Xuất khẩu dứa của Việt Nam trong năm 2007 diễn ra thuận lợi. Trong 6 tháng cuối năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu dứa của cả nước đạt xấp xỉ 8 triệu USD. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu dứa chính của Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…, trong đó, thị trường EU chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Dứa có tên khoa học là ananas, với vị ngon và thơm, dứa thường được sử dụng làm nước giải khát và trong ngành chế biến thực phẩm. Hiện nay, thị trường dứa đang phát triển mạnh ở các nước EU. Đức, Italia và Anh là những thị trường tiêu thụ lớn nhất trong EU về dứa. Kể từ năm 2002, kim ngạch nhập khẩu dứa của những thị trường này đã tăng gấp đôi dù số lượng mới chỉ tăng 50%. Trong năm 2006, EU nhập khẩu 1,2 triệu tấn dứa với tổng giá trị 839 triệu EUR. Trong đó, Bỉ là nước nhập khẩu dứa lớn nhất trong EU. Đứng thứ hai là Hà Lan với tốc độ tăng theo từng năm và có thể trong tương lai gần sẽ trở thành nước nhập khẩu lớn nhất. Bỉ và Hà Lan mặc dù là hai nước nhập khẩu lớn nhất EU, nhưng thị trường tiêu thụ dứa trong nước của Bỉ và Hà Lan lại rất nhỏ. Hai nước này chủ yếu đóng vai trò giao dịch, nhập dứa từ các nước đang phát triển rồi lại xuất ngược cho các nước EU khác. Bỉ nhập 95% tổng số lượng dứa và Hà Lan nhập 70% từ các nước đang phát triển. Anh, Pháp là hai nước nhập khẩu dứa trực tiếp từ các nước đang phát triển nhiều hơn là từ các nước khác trong EU. Trái lại, dù Đức là thị trường tiêu thụ dứa lớn nhất nhưng lại nhập khẩu đến 70% sản lượng dứa từ Bỉ và Hà Lan năm 2006.

Kênh phân phối:

Dứa đóng hộp hiện đang trở thành sản phẩm phổ biến trong hệ thống bán lẻ ở EU. Việc giới thiệu dứa sạch tại các siêu thị lớn đã dẫn đến một lượng khách hàng ngày càng mở rộng. Các nhà bán lẻ lớn đều có hệ thống phân phối chặt chẽ với các nhà cung cấp chính. Những nhà phân phối dứa lớn trên thế giới là De Monte Fesh Produce của EU, Dole Fresh Fruit Europe của Đức…

Siêu thị không chỉ là nơi tiêu thụ dứa mà cửa hàng rau quả, chợ xanh cũng có một thị phần đáng kể về doanh thu hoa quả nhập ngoại ở nhiều nước trong EU. Các kênh phân phối này chủ yếu mua dứa từ các nhà nhập khẩu, đại lý. Họ là những đối tác kinh doanh tiềm năng nhất đối với những nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển. Họ có kinh nghiệm và kiến thức về thị trường thế giới và có mối quan hệ bền vững với các nhà cung cấp và người mua. Họ có thể cộng tác, giúp đỡ các nhà cung cấp tìm ra phương pháp phân phối tốt nhất cho sản phẩm của mình. Ngoài ra, bên cạnh việc tập trung vào thị trường trong nước, những nhà nhập khẩu này còn rất năng động trong việc xuất khẩu sang các thị trường EU khác.

Cơ hội xuất khẩu của Việt Nam

Xuất khẩu dứa của Việt Nam trong năm 2007 diễn ra thuận lợi. Trong 6 tháng cuối năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu dứa của cả nước đạt xấp xỉ 8 triệu USD. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu dứa chính của Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…, trong đó, thị trường EU chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hà Lan, Đức, Anh là những thị trường nhập khẩu dứa chủ yếu của Việt Nam trong EU. Kim ngạch xuất khẩu dứa của Việt Nam sang EU năm 2007 đạt hơn 10 triệu USD nhưng mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu dứa của thị trường này (hơn 1,5 tỷ USD).

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu dứa của Việt Nam cho biết: xuất khẩu loại quả này diễn ra thuận lợi. Nguồn cung cấp dứa ổn định, chất lượng dứa khá đồng đều nên các nhà máy chế biến hoạt động hết công suất trong các dịp thu hoạch. Hiện nay, nước ta chủ yếu xuất khẩu dứa miếng dưới dạng đóng lon, đóng hộp. Mặc dù dứa là loại cây trồng khá phổ biến ở nước ta nhưng lượng dứa xuất khẩu hiện nay còn rất hạn chế so với sản lượng sản xuất. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chưa có chính sách linh họat trong việc thu mua, chế biến dứa xuất khẩu, chưa biết cách tìm kiếm đối tác có khả năng hợp tác bền vững.

Thị trường dứa EU là một thị trường màu mỡ, đầy tiềm năng, nguồn cung dứa của Việt Nam rất có khả năng phát triển. Vì vậy các doanh nghiệp cần có các chính sách xúc tiến thương mại hợp lý, đầu tư công nghệ, chú trọng quản lý chất lượng để có thể phát triển sản phẩm dứa mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường EU.



Nguồn: doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường