Kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu được bình thường hóa vào ngày 22-10-1990, quan hệ thương mại Việt Nam-EU không ngừng phát triển. Tiến trình đó được thúc đẩy thêm bởi việc ký kết các hiệp định thương mại song phương như Hiệp định buôn bán hàng dệt may Việt Nam - EU ngày 15-12-1992, và đặc biệt là Hiệp định khung hợp tác giữa Việt Nam - EU ngày 17-7-1999 đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa nước ta và EU. Ngày nay, Việt Nam và EU đã trở thành những bạn hàng không thể thiếu được của nhau. Mới đây, EU đã công nhận và cho phép đưa hàng Việt Nam lên ngang hàng các nước kinh tế thị trường trong việc điều tra và thi hành các biện pháp chống phá giá.
Triển vọng về một thị trường tiêu thụ lớn?
EU là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác thương mại, nhất là xuất khẩu. Tuy kim ngạch chưa lớn nhưng tốc độ tăng trưởng và phát triển tương đối cao. Danh mục hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU ngày càng tăng lên. Ngoài thủy sản, nông sản (cà phê, chè, gia vị) còn có các sản phẩm công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, sản phẩm bằng da thuộc, đồ gỗ, đồ chơi trẻ em, dụng cụ thể thao, gốm sứ mỹ nghệ và các mặt hàng chế biến cao cấp như hàng điện tử, điện máy.
Giày dép là mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang EU năm 2002 đã tăng gấp hai lần so với 5 năm trước. Sau khi Việt Nam ký với EU Biên bản chống gian lận trong buôn bán giày dép, hằng năm kim ngạch xuất khẩu sang EU đều tăng trên 10% /năm. Theo dự báo của Hiệp hội da-giày Việt Nam, năm nay ngành da-giày có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD, tăng hơn năm 2002 trên 300 triệu và dự đoán sẽ còn tăng đến 4,7 tỷ vào năm 2010, trong đó có 76,49% là xuất sang EU. Đây là thị trường đầy tiềm năng với dân số gần 400 triệu, mức sống cao và nhu cầu tiêu thụ giày dép lớn song cũng là thị trường có đòi hỏi rất cao về mặt chất lượng cũng như mẫu mã. Chính vì vậy nên các doanh nghiệp da-giày Việt Nam hiện đang phải cố gắng để đáp ứng các qui định về tiêu chuẩn xuất xứ cũng như nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm để có thể đứng vững trên thị trường EU.
Tiếp đến là dệt may, một ngành có tiềm năng xuất khẩu lớn thứ hai trong số các mặt hàng công nghiệp chế biến trong nước. EU là thị trường dệt may hạn ngạch lớn nhất của Việt Nam, trên 40% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là xuất sang EU, trong khi Nhật Bản là thị trường dệt may phi hạn ngạch. Khi ký hợp đồng hàng dệt may Việt Nam - EU, EU đã dành cho Việt Nam mức thuế quan phổ cập ưu đãi GSP nhằm tạo điều kiện cho hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam, từ chỗ bị cấm vận đã xuất vào được thị trường EU với tốc độ xuất khẩu tăng nhanh từ 38-40% một năm. Rõ ràng, Hiệp định Việt Nam - EU năm 1993 về hàng dệt may đã mở ra thị trường lớn cho hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam.
Thách thức và cơ hội?
Việc Trung Quốc ký hiệp định thương mại với EU và là một thành viên của WTO sẽ là yếu tố không thuận trong các cố gắng cạnh tranh thị phần của Việt Nam. Theo tính toán, kim ngạch giày dép và may mặc của Trung Quốc sẽ tăng đến 5 tỷ USD. Một khó khăn nữa mà ngành sản xuất giày dép Việt Nam đang gặp phải cho đến nay, hầu hết thiết bị sản xuất giày dép được nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc, chủ yếu là công nghệ của thập kỷ 70, 80 nên tuổi thọ ngắn trong khi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ nên khả năng cạnh tranh và hiệu quả không cao.
Thị trường dệt may EU đã mở ra đối với Việt Nam, nhưng liệu hàng Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường EU sau khi Trung Quốc - một nước có ngành dệt may phát triển, tham gia WTO và hàng dệt may của Trung Quốc cũng sẽ được hưởng thuế ưu đãi khi vào thị trường EU. Hơn nữa, nhìn về tương lai sau năm 2004, hàng dệt may Việt Nam sẽ vào thị trường EU với điều kiện như thế nào khi mà EU sẽ xóa bỏ hạn ngạch dệt may đối với các thành viên WTO vào ngày 31-12-2004, còn các nước không thuộc WTO thì áp dụng ra sao còn là điều chưa rõ.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu lớn đang vấp phải hàng rào thuế quan rất cao của EU: như gạo ở mức hơn 100%, đường gần 200%. Hai mặt hàng này tuy được giảm thuế theo thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP), nhưng mức thuế phải nộp còn rất cao, trong khi một số lượng lớn hàng của nhiều nước khác được giảm nhiều hơn hoặc miễn thuế. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng một số nông sản và thực phẩm Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chặt chẽ khi xuất khẩu sang EU. Một hạn chế nữa là các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm tốt công tác marketing và thiếu vốn để mua nguyên phụ liệu cần thiết, do đó chưa lập được quan hệ đối tác trực tiếp với nhà nhập khẩu mà phải xuất khẩu vào EU qua trung gian.
Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đang chuyển sang một thời kỳ mới gắn liền với những chuyển biến kinh tế của hai phía. Triển vọng của mối quan hệ này phụ thuộc đường lối, chính sách và những định hướng dài hạn trong chính sách thị trường, những phương sách cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU cũng như tạo sự lôi cuốn các doanh nghiệp EU vào thị trường Việt Nam. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường hoạt động thông tin về thị trường EU, áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất nhập khẩu với EU và đặc biệt khuyến khích các mặt hàng có lợi thế trên thị trường EU là việc làm cần thiết để duy trì thị trường giàu tiềm năng này. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế nhằm vượt qua những rào cản kỹ thuật của thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung.