Ngày 14/12, Hà Nội khai mạc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG). Trong hai ngày diễn ra hội nghị, theo chương trình, các đại biểu tập trung thảo luận việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Trong khuôn khổ Hội nghị, công ty Tài chính quốc tế phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tập trung thảo luận các vấn đề chính trong lĩnh vực ngân hàng, cở sở hạ tầng, du lịch cũng như cập nhật kết quả hoạt động của các nhóm công tác trong 6 tháng qua… Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam bao gồm các thành viên của Chính phủ Việt Nam và đại diện của khoảng 50 nhà tài trợ song phương, đa phương cho Việt Nam.
Trước thềm Hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam khai mạc sáng nay, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tai Việt Nam cho biết: Các nhà tài trợ đang xem xét khả năng tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.
Đánh giá cao những thành tựu mà kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2006, ông Konishi cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tiềm năng to lớn cùng với sự ổn định chính trị của Việt Nam chính là những nhân tố thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư tiềm năng. Thực tế cho thấy những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng đột biến, tuy nhiên một phần không nhỏ trong số đó chỉ là những cam kết của các nhà đầu tư vào Việt Nam, chưa phải là vốn thực tế. Với những cơ hội do việc gia nhập WTO đem lại, chắc sẽ có sự đầu tư lớn hơn vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế sẽ có một số vấn đề quan ngại và thách thức, trong đó có cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống hành chính thiếu hiệu quả và nguồn nhân lực chất lượng chưa cao. Nếu không giải quyết được các vấn đề trên, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục thu hút đầu tư hay biến những cam kết của những nhà đầu tư thành những dòng vốn đầu tư thực sự. Theo ông Konisi, chìa khoá để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài cho công cuộc phát triển đất nước của Việt Nam.
Chúng tôi đang theo sát diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Schieler, giám đốc tập đoàn UBS AG : Việt Nam là thị trường đang nổi lên cả về quy mô dân số và tốc độ phát triển kinh tế". |
Bên lề Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 13/12, ông Schieler nói: "Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong giai đoạn sơ khai. Chúng tôi đang theo sát các diễn biến trên thị trường này và chúng tôi sẽ đầu tư nếu có cơ hội."Là giám đốc của một trong những tập đoàn quản lý bất động sản lớn nhất trên thế giới, với 75.000 nhân viên, ông Schieler cho biết: "Mặc dù tập đoàn UBS AG chưa thiết lập chi nhánh ở Việt Nam nhưng chúng tôi rất quan tâm tới thị trường này bởi vì Việt Nam là thị trường đang nổi lên cả về quy mô dân số và tốc độ phát triển kinh tế”. UBS AG nhận thấy có rất nhiều cơ hội kinh doanh ở Việt Nam nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời tiếp tục quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tiến hành cải tổ hệ thống các ngân hàng thương mại Nhà nước, ông Schieler nói. Ông Schieler cho biết UBS AG có thể thành lập quỹ đầu tư ở Việt Nam. Tập đoàn này cũng vừa được cấp phép giao dịch chứng khoán ở Việt Nam.
Trong khi đó, ông Rajeev Garg, Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ (InCham) tại Việt Nam, cho rằng tiềm năng của thị trường Việt Nam ở một khía cạnh khác. Ông nói: “Đối với doanh nghiệp Ấn Độ, dầu khí, công nghệ thông tin, điện lực và cơ sở hạ tầng là những lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng ở Việt Nam”.
Ông Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ với 5 khuyến cáo
Ông David Knapp - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham): Với việc các nguyên thủ như Tổng thống Mỹ Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo khác tham dự Hội nghị cấp cao APEC tháng trước, Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng của mình trên thế giới - một vị trí xứng đáng. Nền kinh tế Việt Nam nổi lên nay đã không còn là bí mật.
Ông David Knapp, Chủ tịch AmCham: Việt Nam phải làm tốt hơn nữa trong việc xoá bỏ tham nhũng. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực nhằm loại bỏ tham nhũng. Đây không phải là một vấn đề đơn giản và nó sẽ không biến mất trong thời gian ngắn. |
Sau một vài năm ủng hộ và thúc đẩy quá trình gia nhập WTO của Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng trước việc Việt Nam trở thành thành viên mới nhất của WTO. Điều này sẽ góp phần gia tăng đầu tư từ Hoa Kỳ cho Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp tục xây dựng nền tảng cho cơ hội và sự phát triển đã được hình thành trong vòng 15 năm qua? Tôi cho rằng, đầu tiên Việt Nam cần phải nâng cao tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, bởi đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Việt Nam. Tốc độ phát triển chóng mặt những năm qua đang tạo nên nhiều áp lực cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam, và những trở ngại này đe dọa đến đầu tư trực tiếp nước ngoài cho sản xuất và xuất khẩu.Thứ hai, Việt Nam nên nâng cao bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ kìm nén đầu tư sáng tạo, đe doạ sức khoẻ và an ninh cộng đồng, và giảm nguồn thu của nhà nước.
Thứ ba, Việt Nam phải làm tốt hơn nữa trong việc xoá bỏ tham nhũng. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực nhằm loại bỏ tham nhũng. Đây không phải là một vấn đề đơn giản và nó sẽ không biến mất trong thời gian ngắn. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng, những giao dịch trung thực, công bằng và thẳng thắn trong suốt chỗi giá trị thương mại là những phẩm chất quan trọng nhất mà các nhà đầu tư xem xét khi quyết định nơi đầu tư.
Thứ tư, mặc dầu đã có rất nhiều tiến bộ, các nhà đầu tư Mỹ mong muốn có sự đảm bảo pháp lý tại Việt Nam. Các nhà đầu tư cần phải chắc chắn các hợp đồng họ ký sẽ được bảo vệ dưới pháp luật và các tranh chấp sẽ được giải quyết một cách công bằng.
Và cuối cùng, Việt Nam cần phải cải thiện hệ thống giáo dục. Thách thức hiện đại hoá hệ thống giáo dục là một trong những thành phần quan trọng nhất trong công cuộc Đổi mới ở Việt Nam hiện nay, và trực tiếp ảnh hưởng đến các chọn lựa và tiềm năng của thế hệ tương lai. Chúng tôi sẽ phối hợp với VCCI và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Mỹ để tìm ra chương trình phát triển giáo dục tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn mở rộng vào thị trường Mỹ. Chúng tôi cũng sẽ hoạt động tích cực để tăng cường hiểu biết của các công ty Mỹ về các cơ hội kinh doanh đang mở ra tại Việt Nam.
EuroCham hoan nghênh hội nhập của Việt Nam
Ông Oliver Massmann - PhòngThương mại châu Âu (EuroCham): EuroCham hoan nghênh cam kết kiên định của Chính phủ Việt Nam là hội nhập kinh tế thế giới. Chúng tôi cũng ghi nhận những bước mà Chính phủ đã làm như một nỗ lực để nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động đầu tư kinh doanh và đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, có một hạn chế dễ nhận thấy trong môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đó là việc thiếu các quy định hướng dẫn thực hiện luật. Không có các hướng dẫn cụ thể này, luật có thể đưa ra các cơ hội mà trong thực tiễn các nhà đầu tư nước ngoài không thể tận dụng. Một ví dụ cho việc này đó là việc thành lập các chi nhánh thương mại.
Chi nhánh thương mại là một hình thức đầu tư quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài muốn kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thể thành lập chi nhánh thương mại tại Việt Nam.
Nghị định số 72 được ban hành tháng Bảy năm nay đã cho phép thành lập các chi nhánh thương mại trên lý thuyết, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện.
Bản báo cáo dự thảo của nhóm công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam tuyên bố rằng Việt Nam sẽ cho phép thành lập các chi nhánh thương mại vào tháng 1/2007. Cam kết này sẽ buộc Việt Nam phải ban hành các quy định hướng dẫn về việc thành lập chi nhánh thương mại trong thực tế. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng ở Việt Nam trong việc thực hiện khả năng mở chi nhánh thương mại ở Việt Nam. Và chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên thành lập một uỷ ban chuyên trách về vấn đề này và trợ giúp trong việc soạn thảo các quy định cần thiết.
Doanh nghiệp Australia lạc quan về tương lai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam
Ông Mark Farquhar - Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham): Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chúng tôi cho đây là một bước tiếp theo tất yếu trong quá trình hội nhập toàn cầu rất lạc quan của Việt Nam. Nhiều thành viên AusCham tin rằng việc gia nhập WTO của Việt Nam hứa hẹn dần đem lại môi trường kinh doanh minh bạch, dễ tiên lượng, ổn định và công bằng.
Chủ tịch AusCham: Chúng tôi mong chờ các lợi ích mà với tư cách thành viên WTO sẽ đem lại cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, và lạc quan về sự tăng trưởng mạnh hơn trong kinh doanh của chính mình. |
Tuy nhiên, việc gia nhập WTO của Việt Nam cũng có nghĩa là trách nhiệm sẽ nhiều hơn. Việt Nam nay đã cam kết tuân thủ các chuẩn mực của thương mại toàn cầu. Những cam kết này sẽ củng cố các chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Chúng tôi chúc mừng Việt Nam đã đạt được thành công xứng đáng trong việc gia nhập WTO, nhưng cũng nhận thức rằng có nhiều thách thức trước mắt để Việt Nam có thể phát huy những thành công đã có của mình trong thương mại quốc tế. Chúng tôi mong chờ việc thực hiện các cam kết gia nhhập WTO của Việt Nam một cách chu đáo và nhất quán, và chúng tôi với tư cách là một tổ chức sẽ theo dõi chặt chẽ tiến trình này trong các năm sắp tới.Cộng đồng doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Chính phủ
Ông Đặng Đức Dũng - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội: Chúng tôi nhận thấy quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhằm tạo thêm hàng triệu việc làm, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững với mục tiêu sớm đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Chúng tôi tin là Chính phủ sẽ hoàn thành mục tiêu của mình và cộng đồng doanh nghiệp cũng cam kết quyết tâm hướng đến đích này.
Các sáng kiến hết sức tích cực của Chính phủ nhằm thiết lập mối quan hệ chiến lược đa phương và khu vực như: tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, kết nối chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Singapore, với Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga… đang tạo ra những đột phá mới trong thu hút đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp trẻ chúng tôi lạc quan ở tương lai nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp để rà soát các vướng mắc trong một số luật quan trọng đối với doanh nghiệp như: Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ… Cùng với các nỗ lực về cải cách hành chính, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ thong tin về thương mại, tài chính, công nghệ cho doanh nghiệp thông qua cho phép hình thành Trung tâm Thông tin độc lập ứng dụng công nghệ truyền thông đa phương tiện để doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin thị trường một cách nhanh nhất, nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh./.