Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo sụt giảm trong 6 tháng đầu năm?
13 | 05 | 2010
Theo tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 5 và tháng 6/2010, Việt Nam sẽ xuất khẩu thêm khoảng 1,3-1,4 triệu tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu trong hai quý đầu năm lên 3,3 triệu tấn.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, con số này vẫn thấp hơn từ 300.000 - 350.000 tấn.

VFA cho rằng nguyên nhân của sự sụt giảm này là trong quý 2, do đồng Euro sụt giảm mạnh đã làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, dẫn tới sức mua gạo bị hạn chế. Bên cạnh đó, gạo tồn kho tại nhiều nước châu Phi vẫn còn nhiều, đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu gạo tại khu vực này.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia về ngành hàng lúa gạo của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp - nông thôn, thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), thực trạng trên là do xuất khẩu gạo đã bị suy giảm cả ở hai hướng: hợp đồng Chính phủ triển khai chậm, trong khi hợp đồng thương mại thì không mấy khởi sắc, nhất là ở thời điểm hiện tại.

Về lĩnh vực hợp đồng Chính phủ, Việt Nam đang gặp khó khăn do phía đối tác trì hoãn giao nhận hàng và tạm ngừng triển khai đấu thầu. Hợp đồng thương mại cũng khó triển khai do năm nay ngoài đối thủ cạnh tranh truyền thống về gạo chất lượng cao là Thái Lan. Các doanh nghiệp từ Bangladesh, Myanmar cũng đang gây khó khăn cho gạo cấp thấp của Việt Nam khi đưa ra giá thấp hơn so với giá của doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta.

Thêm vào đó, các nhận định về thị trường gạo thế giới hồi đầu năm đều có sai số lớn, nhất là nhận định Ấn Độ - nước sản xuất và tiêu thụ gạo lớn thứ hai thế giới - sẽ sụt giảm sản lượng 16 triệu tấn vì hạn hán trong năm 2009.

Trong khi mới đây, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) thậm chí còn dự báo sản lượng gạo của Ấn Độ sẽ tăng 15% lên mức 151 triệu tấn trong năm nay.

Thái Lan thì đang thực hiện kiềm chế xuất khẩu gạo nhằm mục tiêu giữ giá nên lượng tồn kho còn khá lớn. Myanmar và Bangladesh mới tham gia thị trường gạo thế giới với những thông tin rất hạn chế về lượng cung. Tất cả điều này làm cho cả người bán và người mua trên thị trường thế giới đều “nhìn” nhau một cách thận trọng.

Đây cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều môi giới, trung gian đang trả giá gạo của Việt Nam với mức 320-350 USD/tấn đối với gạo 3% (loại gạo có phẩm chất cao của Việt Nam với mục đích chính là thăm dò). Do đó, ông Tiến cho rằng trong ngắn hạn, giá gạo thế giới sẽ giữ ổn định ở mức thấp.

Từ nay đến hết tháng 6, do giá gạo xuất khẩu chững lại, sức ép về nguồn cung trong nước giảm. Cũng theo dự báo của chuyên gia này, giá thu mua thóc tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ vẫn giữ như mức hiện nay là khoảng 4.000-4.200 đồng/kg, nhưng giá gạo có thể giảm nhẹ ở từng địa phương.



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường