Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu sắn ế ẩm do... quá nhiều thương lái?
15 | 07 | 2010
Đầu năm, thương lái tranh mua sắn từ nông dân với giá cao dự trữ và đàm phán xuất khẩu đòi giá cao khiến các nhà nhập khẩu chuyển sang mua sắn của các nước khác.

Trong sáu tháng đầu năm xuất khẩu sắn đã sụt giảm nghiêm trọng về lượng, chỉ bằng 48% so với cùng kỳ năm trước, và mới chỉ tiêu thụ được 25% sản lượng cần xuất khẩu trong năm nay.

Trước kia, sắn chỉ là loại cây lương thực chống đói, chưa được coi trọng về mặt kinh tế, nên nông dân chỉ trồng tại những vùng đất đồi núi, bạc màu, hay trồng xen cây, gối vụ do năng suất thấp.

Vài năm trở lại đây, cây sắn Việt Nam trở nên có giá trị nhờ vào xuất khẩu do nhu cầu nhập sắn của thế giới tăng cao. Hiện nhiều nước nhập khẩu lớn các sản phẩm sắn lát và tinh bột sắn để làm nguyên liệu sản xuất ethanol làm xăng sinh học, cồn công nghiệp, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, sử dụng trong công nghiệp hóa chất, giấy, dược phẩm.

Bộ Công Thương đang có chương trình đưa các sản phẩm sắn trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Hiện cả nước có 508 nghìn ha trồng sắn, tổng sản lượng thu hoạch mỗi năm đạt khoảng 8,6 triệu tấn, trong đó hơn 4 triệu tấn sắn củ có thể dành cho xuất khẩu dưới dạng tinh bột hoặc sắn lát khô. Trung Quốc nhập khẩu hơn 90% kim ngạch xuất khẩu sắn của nước ta.

Năm 2009, xuất khẩu sắn đem lại 800 triệu USD, cao hơn cả ngành điều và gấp đôi hồ tiêu. Năm 2010, ngay từ đầu vụ thu hoạch sắn, thị trường trong nước đã có những diễn biến giá cả bất thường vượt mọi dự đoán của nhà kinh doanh và sản xuất. Đầu vụ năm trước, giá thu mua sắn lát khô dao động 1.300.000 - 1.500.000 đồng/tấn. Đầu năm nay, giá tăng lên 2.500.000 đồng/tấn.

Bất chấp việc xuất khẩu chững lại, và các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn vừa nhập kho cầm chừng để đảm bảo sản xuất và nghe ngóng thị trường, giá sắn khô vẫn tăng lên từng ngày một. Tại các vùng nguyên liệu sắn, giá thu mua leo thang theo giá cước vận chuyển, giá thuê kho, giá sắn tươi, giá công lao động.

Nông dân trồng sắn mừng vui vì chưa bao giờ sắn lát khô lại lên ngôi như vậy. Đến vụ thu hoạch nhiều nông dân không chịu nhổ sắn đem bán, vì họ tin rằng càng để chậm thì giá càng lên, càng có lợi. Đây chính là nguyên nhân khiến giá sắn càng sốt. Các nhà đầu cơ càng ráo riết thu mua, gom hàng. Họ cất giá lên từng ngày với một mục đích là có được hàng đưa vào kho, bất chấp giá bán ra, chất lượng thế nào.

Thế nhưng tình hình xuất khẩu hiện đang trái ngược với diễn biến của thị trường trong nước. Theo Tổng cục Thống kê, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1.200.000 tấn, kim ngạch 300 triệu USD, giảm 52,4% về lượng và 12,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay sản lượng sắn thu hoạch cũng sẽ đạt khoảng 8,5 triệu tấn, sau khi cân đối nhu cầu trong nước, cần phải xuất khẩu 4,3 triệu tấn. Như vậy, áp lực xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm còn tới 3,1 triệu tấn. Hiện hầu hết thương nhân Trung Quốc đã ngừng mua sắn của ta, họ chuyển sang đàm phán thu mua sắn ở Indonesia và Thái Lan, do giá sắn Việt Nam quá cao.

Thực tế dù thương nhân Trung Quốc chấp nhận mua sắn Việt Nam với giá 2,8 triệu đồng/tấn, thì các chủ hàng và thương lái nước ta cũng không muốn bán. Vì họ thu mua từ đầu năm với giá 2,5 triệu đồng/tấn, nay tính chi phí tồn trữ và hao hụt thì sẽ tăng cao rất nhiều. Một số chuyên gia nghi ngại rằng, nếu tâm lý ghìm hàng chờ giá sẽ nao núng dần khi giá bán ra không diễn tiến như mong muốn, đến một lúc nào đó cần phải bán nhanh lên để thu hồi vốn, hiệu ứng liên hoàn là sẽ làm vỡ thị trường. Tình trạng khủng hoảng thừa, bán đổ bán tháo rất có thể xảy ra.

Đa số nhà đầu cơ ở Tây Nguyên thu mua dự trữ sắn đều chưa có nghiệp vụ xuất khẩu, họ thế chấp tài sản, thuê kho, mua sắn nhập vào, sau đó mời ngân hàng đến thế chấp lô hàng đã mua, lấy tiền mua tiếp, bao giờ đầy kho, hết xoay được nguồn tiền thì ngưng. Đến thời điểm thích hợp, họ bán ra, thanh toán các khoản nợ và thu lợi nhuận kếch xù.

Chính vì siêu lợi nhuận như vậy, nên số lượng những người tham gia đầu cơ thu mua sắn mỗi năm cứ tăng lên theo cấp số nhân, góp phần gây méo mó thị trường sắn vì đi ngược lại quy luật cung cầu, khiến giá lên không phải vì tiêu thụ tăng mà là do tranh mua để tồn trữ. Nếu các nhà nhập khẩu quay lưng với mặt hàng sắn của Việt Nam, thì nguy cơ cây sắn sẽ phải quay trở về số phận trước kia, khi thương lái vỡ nợ thì nông dân sẽ phá bỏ cây sắn hàng loạt trong những năm tới.



Theo Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường