Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo năm 2011: Chưa sớm lạc quan?
07 | 12 | 2010
AGROINFO - Mặc dù giá gạo trên thế giới gần đây tăng mạnh, nhiều nước tăng cường nhập khẩu mặt hàng này, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2011 sẽ không thực sự sôi động.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) chỉ ra, thời tiết xấu đã ảnh hưởng tới vụ mùa ở châu Á làm sản lượng lúa thế giới năm 2010 chỉ đạt 697,9 triệu tấn, giảm gần 6,5% so với dự báo trước đó.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thì ước tính sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ đạt 451,4 triệu tấn, thiếu 1,1 triệu tấn so với nhu cầu và là năm thiếu hụt đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây.

Những điều này khiến gần đây giá xuất khẩu gạo của Thái Lan được dùng tham khảo cho toàn châu Á đã tăng 20% so với mức giá hồi tháng 7/2010.

Trước tình hình trên nhiều nước nhập khẩu gạo đã phải đẩy mạnh mua vào vì e ngại giá sẽ tiếp tục tăng. Philippines đã đề nghị kéo dài thoả thuận nhập khẩu gạo giữa Chính phủ. Theo kế hoạch trong năm 2011, quốc gia này sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam. Bangladesh trong quý I/2011, cũng có nhu cầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo của nước ta, còn Indonesia yêu nhập cầu thêm 200.000 tấn… Các nước khác là Iran, Iraq thì liên tục mở thầu cho các hợp đồng nhập khẩu gạo, bà Cao Thị Ngọc Hoa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia về ngành hàng lúa gạo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), những thông tin trên chỉ nên coi là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2011.

Ông Tiến lý giải, ở trong nước thời gian qua tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp, lũ lụt ở khu vực Nam trung bộ đã khiến lịch thời vụ bị lùi lại. Tại miền Bắc hiện đang phải đối mặt với khô hạn. Trên thị trường giá vật tư phân bón lại tăng cao. Vì thế chưa thể tính toán chính xác về sản lượng lúa gạo mà cả nước sẽ thu hoạch được trong thời gian tới.

Còn đối với các hợp đồng mặc dù đã được ký kết, song thời gian giao hàng thường tương đối dài. Như vậy, nếu tình hình mùa màng tại các nước nhập khẩu diễn biến theo chiều hướng thuận lợi thì các doanh nghiệp vẫn có thể tìm ra các lý do để phá bỏ hợp đồng.

Thêm vào đó, không chỉ có giá xuất khẩu tăng cao mà giá thu mua lúa gạo trong nước gần đây cũng tăng khá mạnh. Giá lúa thường ở Đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 6.000- 6.200 đồng/kg, lúa dài là 6.150- 6.350 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm là 8.250- 8.400 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm có giá từ 8.100- 8.250 đồng/kg, tuỳ theo chất lượng và từng địa phương.

Mới đây nhất, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại quyết định tăng giá sàn lần thứ 6 trong năm đối với các loại gạo xuất khẩu. Cụ thể, giá sàn gạo 5% tấm tăng từ 475 USD lên 540 USD/tấn, gạo 25% tấm tăng thêm 35USD, lên 480 USD/tấn. “Đây có thể xem là động thái nhằm hạn chế lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp trong thời gian tới của đơn vị này”, ông Tiến nhận định.

Cũng từ 1/1/2011, khi nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện như có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ…. Đến 1/10/2011, các thương nhân thương nhân không đáp ứng đủ các điều kiện này sẽ không được hoạt động.

Do vậy, theo dự báo của ông Tiến, phải đến quý 3/2010, xuất khẩu gạo của Việt Nam mới thực sự sôi động trở lại.



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường