Ngoài ra, những mặt hàng khác, như tôm khô, lạp xưởng, thịt bò khô... cũng tăng giá 20-30% so với tháng trước. Tại chợ Thành Công, tôm khô loại thường đã tăng từ 300.000 đồng lên 350.000-360.000 đồng/kg, loại ngon tăng từ 420.000 đồng lên 600.000 đồng/kg; loại đắt nhất có giá 1-1,3 triệu đồng/kg nhưng vẫn có nhiều người hỏi mua. Với mực tẩm gia vị ăn liền, giá tăng từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng/kg, lạp xưởng có giá 120.000-180.000 đồng/kg (tùy loại). Dầu ăn cũng tăng giá mạnh, 2 tuần trước có giá bán khoảng 25.000-28.000 đồng/lít, hiện đã tăng lên 33.000-42.000 đồng/lít (tùy loại). Các loại bánh, mứt cũng tăng giá khoảng 30% so với năm ngoái. Sản phẩm mứt truyền thống năm nay chủ yếu vẫn là mứt bí, dừa, gừng, mơ, đào, cà rốt, me, hồng đỏ, các loại quả sấy khô như mít, chuối, khoai lang… Bà Thu Lan, chủ một cửa hàng chuyên bán ô mai, mứt ở phố Hàng Đường cho biết, nhiều cửa hàng trên phố đã tăng giá bán khoảng 30-40% so với năm trước do đường - mặt hàng chiếm 30% thành phẩm đã tăng giá mạnh, chi phí nhân công, vận chuyển cũng tăng… nên giá tăng là điều khó tránh khỏi. Mứt dừa tăng lên 90.000 đồng/kg, mứt sen 80.000-110.000 đồng/kg (tùy loại); mứt bí 60.000 đồng/kg; mít khô, ô mai, dâu tây, mận chua cay… đều tăng giá, mỗi loại 20-30%.
Để đối phó với việc tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, siêu thị tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố đều tăng lượng dự trữ hàng hóa. Siêu thị BigC đã chuẩn bị nguồn hàng ở mức tăng 25-30% so với năm trước, cam kết không tăng giá vào dịp Tết. Hệ thống siêu thị Co.opMart tăng lượng hàng bình ổn lên gấp 3 lần so với mức cam kết, khoảng 30.000 tấn. Hệ thống siêu thị Intimex và nhiều siêu thị khác cũng chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đủ cung ứng thị trường dịp Tết Nguyên đán, trong đó hàng nội địa chiếm tỷ lệ 90%. Chị Phương Nguyên, chủ một cửa hàng bánh kẹo ở phố Lò Đúc cho biết, Tết năm nay các loại bánh hộp sản xuất trong nước như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Tân Tân… có mẫu mã đẹp, chất lượng bảo đảm, dù tăng khoảng 10% nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Bánh hộp giấy có giá 30.000-60.000 đồng/hộp, tùy loại; hộp thiếc 40.000-150.000 đồng/hộp, tùy loại. Các loại bánh có xuất xứ từ Pháp, Đức, Đan Mạch, Thái Lan, Indonesia… khá đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chủng loại…
Tuy nhiên, ngành chức năng cảnh báo, do một số cơ sở sản xuất không tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nên mặt hàng khô tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ gây bệnh... Trong đó có mặt hàng miến, để giảm giá đầu vào, người sản xuất có thể sử dụng bột đã bị mốc, thậm chí là sử dụng hóa chất để tăng độ hấp dẫn về màu sắc. Ngoài ra, hầu hết các mặt hàng khô bày bán tại các chợ đều không có hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không có túi bảo quản... Những mặt hàng không được bảo quản kỹ, không được kiểm tra chất lượng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng. Vì vậy, khi mua hàng Tết, người tiêu dùng cần đến những địa chỉ có uy tín, chọn mua những sản phẩm có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.