Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thịt lợn
16 | 12 | 2010
Theo thống kê, hiện cả nước có tổng đàn lợn hơn 27 triệu con, tổng sản lượng thịt lợn của Việt Nam đứng thứ sáu trên thế giới. Song Việt Nam vẫn không có mặt trong top 20 quốc gia xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới. Nguyên nhân là do đâu?

Những rào cản cho ngành chăn nuôi

Hiện quy mô chăn nuôi lợn ở nước ta có đến 80% là chăn nuôi nhỏ lẻ (từ một đến hai lợn nái, hoặc từ 10 đến 20 lợn thịt). Chính quy mô nhỏ lẻ này, cộng với việc bất cập trong khâu giống, phát triển vùng nguyên liệu cho chế biến thức ăn, thiếu thông tin thị trường và chính sách đầu tư kỹ thuật chăn nuôi... là rào cản rất lớn để ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam phát triển bền vững. Bên cạnh đó, dịch bệnh lợn tai xanh, lở mồm long móng, nhất là giá nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi liên tục tăng, đang gây nhiều khó khăn đối với người nuôi lợn. Đến nay, sau một thời gian dài rớt giá do ảnh hưởng dịch lợn tai xanh, mặc dù giá lợn hơi đã nhích lên khoảng 30 nghìn đồng/kg nhưng ngược lại, chỉ trong vòng một tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi có tới ba lần điều chỉnh tăng giá, với mức tăng bình quân mỗi bao cám loại 25 kg lên thêm 15 nghìn đồng. Theo nhiều hộ chăn nuôi lợn cho biết, nếu tình hình tăng giá cứ tiếp tục tái diễn, thì người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ và trong tương lai ngành chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê, hiện Việt Nam phải nhập khẩu 70% nguyên liệu đầu vào để chế biến thức ăn cho lợn. Dự báo của các cơ quan chức năng cho thấy, trong năm 2010, Việt Nam sẽ là nước đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu bã khô đậu nành với tổng lượng ước tính lên đến hơn 2,7 triệu tấn, tăng 130 nghìn tấn so với năm 2009, vượt qua Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, chiếm 5% tổng nhập khẩu mặt hàng này của thế giới. Ngoài ra, ước tính trong năm nay, Việt Nam phải nhập 1,1 triệu tấn bắp; 3,7 triệu tấn bã hạt có dầu để chế biến thức ăn cho gia súc. Điều này cho thấy, giá thức ăn gia súc của nước ta phụ thuộc rất lớn vào thị trường nguyên liệu của thế giới.

Đã từng đi nhiều nước học kinh nghiệm kỹ thuật nuôi lợn, trong đó đã nhiều lần đến tìm hiểu quy trình nuôi lợn tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Mạnh Thắng, chủ trang trại lợn ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết: 'Những người chăn nuôi lợn và những người trồng nguyên liệu để chế biến thức ăn gia súc ở Hoa Kỳ có mối liên kết chặt chẽ với nhau, tất cả các hộ này đều vào một hiệp hội để cùng nhau phát triển. Họ làm rất bài bản, nguyên liệu chế biến thức ăn của họ được trữ để dự phòng cho cả năm sau. Do đó, giá thức ăn cho lợn rất ít biến động. Nói chung, họ liên kết để đưa ra quy hoạch cụ thể từ khâu vùng nguyên liệu, chăn nuôi tập trung theo chu trình khép kín, từ sản xuất, chế biến đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm'.

Nói về kỹ thuật cũng như quy trình chăn nuôi lợn của Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Rô-bớt Tha-lơ, chuyên gia khuyến nông về dinh dưỡng cho lợn, Hội đồng hạt cốc Hoa Kỳ khẳng định: 'Chăn nuôi lợn ở Việt Nam đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, chỉ có rất ít các trang trại của Việt Nam có công nghệ chăn nuôi tiên tiến bằng các nước đang dẫn đầu về công nghệ chăn nuôi lợn hiện nay như: Hoa Kỳ, Đức, Đan Mạch, Thái-lan... Phần lớn các trang trại còn lại cần được đầu tư đồng bộ hơn'.

Điều này lý giải vì sao Việt Nam có tổng đàn lợn đứng thứ tư trên thế giới với hơn 27 triệu con nhưng xét về sản lượng thịt lợn lại đứng thứ sáu. Ông Nguyễn Trí Công, chủ trang trại nuôi lợn ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) lý giải: 'Để nuôi một con lợn có trọng lượng từ một tạ đến 1,2 tạ, ở Hoa Kỳ chỉ mất khoảng 100 ngày. Còn các hộ chăn nuôi ở Việt Nam, để đạt được trọng lượng này phải mất 135 ngày. Như vậy, một năm họ có thể nuôi từ ba lứa trở lên. Còn ở Việt Nam, một năm các hộ chăn nuôi chỉ nuôi được không quá ba lứa'.

Chủ trang trại lợn giống cao sản Chung Kim, ấp 5, xã Lai Uyên (Bình Dương) cũng cho biết: 'Khâu thụ tinh giống nhân tạo cho lợn hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề để bàn. Tôi đi tham quan nhiều nước thì được biết, thụ tinh cho lợn sinh sản mỗi lứa tỷ lệ lợn con sống sót cho đến khi tách đàn bình quân từ chín đến mười con. Còn các hộ chăn nuôi ở nước ta hiện nay tỷ lệ lợn con sống sót chỉ đạt từ bảy đến tám con. Trong khi đó, các nước phát triển trong ngành chăn nuôi lợn hiện nay mỗi năm lợn nái sinh sản được ba lứa, còn ở nước ta chỉ được hai lứa'.

Nâng tính cạnh tranh trong chăn nuôi

Từ quy mô chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, cộng với việc bất cập trong khâu giống, kỹ thuật chăn nuôi chưa theo chu trình khép kín, tập trung từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nhất là còn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu đầu  vào chế biến thức ăn gia súc của thế giới đã đẩy giá thành chăn nuôi lợn ở nước ta cao hơn so với các nước khác, dẫn đến tính cạnh tranh thịt lợn còn thấp. Theo tính toán của ông Nguyễn Trí Công, hiện giá thành sản xuất 1 kg thịt lợn ở nước ta vào khoảng 1,7 đến 1,8 USD/kg, trong khi nếu tính cả thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển thì 1 kg thịt đông lạnh nhập khẩu chỉ vào khoảng từ 1,5 đến 1,6 USD. Bởi vậy, mặc dù Việt Nam có sản lượng thịt lợn đứng thứ sáu trên thế giới nhưng không nằm trong top 20 quốc gia xuất khẩu thịt. Trong khi xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam chỉ đạt rất khiêm tốn thì ngược lại thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao. Năm 2009, kim ngạch nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam là 3,1 triệu USD, còn 5 tháng đầu năm 2010 là 0,74 triệu USD.

Ông Phạm Văn Bộ cho biết: 'Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt, nuôi trồng và khai thác thủy sản, là một trong những quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo, cà-phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản... nhưng cây trồng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành; chế biến bột cá làm thức ăn gia súc... lại rất thiếu, phải nhập khẩu. Hầu hết giá những nguyên liệu này đều cao hơn giá nhập khẩu thế giới, giá bắp trong nước hiện nay là 6.800 đồng/kg, tăng khá cao so với đầu năm 2010. Bởi vậy, chúng ta phải có chiến lược dài hơi, vì để đầu tư cho một vùng chuyên canh nguyên liệu để ổn định giá nguyên liệu đầu vào chế biến thức ăn gia súc cần có các ban, ngành liên quan đứng ra hoạch định, đề ra phương án cụ thể. Bên cạnh đó, phải phát triển ngành công nghiệp phụ phẩm để thay thế các nguyên liệu đầu vào truyền thống, đồng thời thành lập các nông trường, trang trại rộng lớn để tăng năng suất, hạ giá thành nguyên liệu đầu vào'.

Ông Chung Kim, chủ trang trại lợn giống cao sản tỉnh Bình Dương cũng cho rằng: 'Để nâng tính cạnh tranh thịt lợn Việt Nam, điều cốt lõi phải hạ giá thành sản phẩm. Theo đó, có nhiều yếu tố để hạ giá thành, trước hết phải có giống lợn tốt, giảm giá thức ăn chăn nuôi xuống, đầu tư công nghệ tại các trại chăn nuôi để tăng năng suất và giảm nhân công lao động. Bên cạnh đó phải có nguyên liệu mới thay thế các nguyên liệu truyền thống như tận dụng xác hạt bắp sau khi chiết xuất lấy cồn để chế biến thức ăn gia súc. Phương pháp này được các nước trên thế giới áp dụng nhiều nhưng ở nước ta chưa được tận dụng triệt để'.

Muốn ngành chăn nuôi lợn phát triển ổn định, có chiều sâu, theo các chuyên gia, trước mắt phải tái cấu trúc lại quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung theo hướng an toàn sinh học, khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Cùng với đó, cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi để không phụ thuộc vào nguyên liệu của thế giới. Đồng thời áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng để hạ giá thành sản phẩm... Giải quyết được những vấn đề này, chăn nuôi lợn ở Việt Nam mới hy vọng cạnh tranh được với các nước trên thế giới.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường