Kế hoạch này là một phần trong định hướng cải cách Chính sách Nghề cá chung (CFP) của Liên minh Châu Âu, được đầu tư 615 triệu EUR để hỗ trợ nghề cá EU. Dự kiến các biện pháp hỗ trợ sẽ được trình EC thông qua ngày 13/7/2011.
EU là khu vực phát triển nghề cá thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc và Pêru. Năm 2007, sản lượng khai thác cá của EU đạt 6,4 triệu tấn, trị giá 8,2 tỷ EUR.
Với số lượng tàu đánh bắt lên đến 80.000 chiếc, trữ lượng cá của EU hiện đang giảm do lạm thác, kéo theo sự cạnh tranh về hạn ngạch khai thác - chủ yếu giữa các nước có nghề cá phát triển như Tây Ban Nha, Đan Mạch, Pháp và Anh.
Sau “cuộc chiến cá tuyết” vào những năm 1950 và 1970, Aixơlen lại tiếp tục va chạm với Anh, Ailen và các nước khác khi quyết định tăng hạn ngạch khai thác cá thu, khiến con đường gia nhập EU của nước này trở nên gập ghềnh hơn.
EC cảnh báo hiện 3/4 trữ lượng cá của Châu Âu đang bị khai thác không bền vững và có đến 30 – 40% số lượng tàu khai thác không đủ lãi để tiếp tục hoạt động lâu dài.
Giảm khai thác cá trong vài năm tới sẽ làm cho trữ lượng cá phục hồi ở mức “sản lượng khai thác bền vững tối đa”, ngư dân có thể khai thác và thu nhiều lợi nhuận hơn thời điểm hiện nay mà về lâu dài không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Để đạt được mục tiêu trên, EC tập trung giải quyết bất đồng giữa các nước thành viên xung quanh việc xác định hạn ngạch khai thác. Trước đó, bất đồng đã đẩy hạn ngạch khai thác lên trên mức khuyến cáo của các nhà khoa học. Vì vậy, các nước Châu Âu buộc phải nhất trí thông qua những “kế hoạch dài hạn” dựa trên ý kiến của chuyên gia trong việc xác định hạn ngạch đối với một hoặc nhiều ngư trường trong một số năm nhất định nhằm tránh tình trạng lạm thác.
Một quan chức EC cho biết “Mục tiêu của kế hoạch này là chấm dứt tình trạng lạm thác tại Châu Âu, và giúp chúng ta hướng đến giai đoạn chỉ khai thác ở mức các ngư trường có thể đáp ứng được. Kế hoạch này không phải để xoa dịu các nhà nghiên cứu môi trường mà nhằm giải quyết vấn đề kinh tế của ngư dân và toàn bộ Châu Âu.”
Tuy nhiên, nghề cá vốn thu hút 400.000 lao động tại Châu Âu là một lĩnh vực có sức mạnh chính trị đối với một số nước Châu Âu nên các nước này không tán thành đề xuất giảm sản lượng khai thác cá của EC. Trong khi đó, sự ủng hộ của các thành viên EU có vai trò quyết định để EC thông qua các quy định về hạn ngạch trước khi chúng được đưa vào luật.
Bên cạnh đó, EC cho biết sẽ đề xuất thiết lập hệ thống “chuyển nhượng quyền khai thác” cho các tàu khai thác lớn hơn, cho phép ngư dân có thể bán hạn ngạch từ các tàu khác trong EU, vì vậy cần phải tiến hành giảm kích thước tàu khai thác.
Tuy nhiên, theo các nhà vận động môi trường, hệ thống chuyển nhượng hạn ngạch cần đi đôi với mục tiêu hàng đầu là giảm sản lượng khai thác nhằm giảm kích thước và trọng tải tàu cá. Bà Saskia Richartz của Greenpeace nhận định “Kỳ vọng khôi phục trữ lượng cá của Châu Âu không thể thành hiện thực nếu không giảm kích thước và trọng tải của tàu khai thác, cũng như con người không thể giảm cân nếu vẫn ăn quá nhiều.”
Theo Vasep