Một báo cáo nghiên cứu của Viện mạng lưới kiến thức Thái Lan (KNIT) vừa nhận định rằng Việt Nam, nước xuất khẩu gạo nhiều thứ hai thế giới, sẽ thành công trong mục tiêu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu thóc gạo cao hơn nữa, nhờ có chính sách rõ ràng trong cắt giảm chi phí sản xuất và quản lý mạng lưới tiếp thị.
Việt Nam hiện là nước có năng suất bình quân cao nhất Hiệp hội ASEAN, đạt 862,4 kg/rai (1 rai = 1.600m2), so với mức bình quân 680 kg/rai trên thế giới và 448 kg/rai của Thái Lan.
Việt Nam thực hiện chính sách “ba giảm và ba tăng”: giảm sử dụng thóc giống, phân bón và thuốc trừ sâu, và tăng sản lượng, chất lượng và lợi nhuận.”
Khoảng 82% diện tích trồng lúa của Việt Nam đã được thủy lợi hóa, so với mức 24% ở Thái Lan - nước đang quan ngại về sức cạnh tranh của gạo Thái suy giảm trên thị trường quốc tế.
Các học giả và chuyên gia thuộc Hội nghị nghiên cứu quốc gia Thái Lan về lúa gạo nói rằng sức cạnh tranh của ngành lúa gạo ở xứ chùa Vàng sẽ bị suy giảm - việc không chỉ khiến Thái Lan mất dần thị phần mà có thể còn làm cho nông dân rơi vào cảnh đói nghèo.
Họ cho rằng Thái Lan có thể sẽ mất vị trí là nhà xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới trong 5-10 năm tới, do nước này thiếu chính sách phát triển sản xuất hiệu quả và sách lược tiếp thị tốt.
Ngoài ra, chính sách quản lý buôn bán thóc gạo của Thái Lan còn thiếu sự nhất quán và hay bị các nhà chính trị can thiệp vì gạo là một mặt hàng nhạy cảm, trong bối cảnh nước này chỉ chú ý nhiều đến việc tăng giá (bảo lãnh) cho nông dân. Chi phí sản xuất ở Thái Lan là 4.575 baht/rai (1 USD = trên 30 baht Thái), so với con số 2.464 baht/rai tại Việt Nam.
Những thách thức khác bao gồm công tác nghiên cứu và phát triển chưa được quan tâm chú trọng đúng mức, tuổi trung bình của nông dân ngày càng già đi, hiện tượng biến đổi khí hậu, sâu bệnh và tác động của hóa chất đối với môi trường, và hệ thống thủy nông chưa đủ và hoàn thiện.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất thóc gạo và tiếp thị tại các nước khác, nhất là Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, đang tiến triển rất nhanh. Theo nhà nghiên cứu Somporn Isvilanonda thuộc KNIT, để nâng cao sức cạnh tranh, Thái Lan cần tập trung vào nâng cao chất lượng canh tác, sản lượng, giảm chi phí sản xuất, phát triển và hệ thống hóa hoạt động tiếp thị và thương mại với việc cần có một chợ trung tâm về buôn bán thóc gạo và sở giao dịch kỳ hạn để bình ổn giá cả một cách công bằng.
Thay vì áp dụng chính sách đảm bảo và cố định giá thóc gạo như là một công cụ để lấy lòng dân chúng trong ngắn hạn, Chính phủ Thái Lan cần nâng cao năng lực sản xuất và cắt giảm chi phí, đồng thời mở rộng hệ thống thủy nông. Điều này đặt ra khi xuất khẩu của Campuchia, Myanmar và một số nước khác cũng tăng cao nhờ chi phí sản xuất thấp và có nguồn tài nguyên về đất đai thuận lợi.
Bas Bouman, trưởng đơn vị về khoa học cây trồng và môi trường Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) có trụ sở ở Manila, Philippines, nói rằng với việc Myanmar có tiềm năng trở thành một trong nhà xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, Thái Lan không chỉ cần chú trọng tới việc nâng cao sản lượng mà còn cả chất lượng để duy trì khả năng cạnh tranh./.
Theo Ngọc Tiến
Vietnam+