Theo dữ liệu của Bloomberg, các quỹ hàng hoá đã tăng vị thế mua của họ ở 18 hàng hoá nguyên liệu thô thêm 16% lên 1,26 triệu hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn trong tuần kết thúc ngày 19/7. Đây là mức đầu tư lớn nhất kể từ đầu tháng 8 năm ngoái. Lượng tiền các quỹ đổ vào bạc mạnh nhất kể từ ngày 3/5.
Chỉ số Standard & Poor’s GSCI của 24 hàng hoá nguyên liệu thô đã tăng tuần thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất 1 tháng hôm 21/7. Giá hàng hoá tăng ngay cả khi Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nợ công. Trong tuần qua, chỉ số này tăng tổng cộng 2,4%.
Walter “Bucky” Hellwig, người giúp quản lý 17 tỷ USD tài sản ở quỹ BB&T Wealth Management tại Birmingham, Alabama cho biết, nhà đầu tư đang lạc quan rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh cùng với sự hồi phục mạnh mẽ của Nhật trong quý 3. Ngoài ra, mọi người cũng không thấy kinh tế Trung Quốc quá khó khăn. Nếu châu Âu tìm ra giải pháp, cho dù là ngắn hạn, cũng sẽ đẩy tăng giá hàng hoá.
Hôm 21/7 vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 159 tỷ Euro, tức 229 tỷ USD, dành cho Hy Lạp, làm giảm nỗi lo khủng hoảng nợ lan rộng trong khu vực.
Theo dữ liệu của Uỷ ban Giao dịch Hàng hoá Kỳ hạn Mỹ, các quỹ phòng hộ và các quỹ quản lý tài sản khác trong tuần qua đã nâng vị thế mua của họ đối với vàng thêm 7,3% lên 238.319 hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn. Vị thế mua với dầu thô được tăng thêm 8% lên 182.285 hợp đồng. Bạc được các nhà đầu tư ưu ái nhất khi tăng đầu tư tới 19% lên 24.740 hợp đồng - tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Mike Frawley, người đứng đầu bộ phận kim loại của công ty môi giới hàng đầu nước Mỹ Newedge USA LLC dự báo, giá kim loại trắng có thể lên kỷ lục 70 USD/ounce vào tháng 3 năm tới bởi nhu cầu bạc vật chất leo thang ở châu Á, cùng với nhu cầu đầu tư an toàn. Trong tuần qua, giá bạc tăng 2,7% lên 40,122 USD/ounce. Giá từng lập kỷ lục 50,35 USD/ounce hồi tháng 1/1980.
Theo Cafef