Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho ngành thương mại 2007
28 | 09 | 2007
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu (dự kiến sẽ đạt 46,8 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2006), Bộ Thương mại sẽ phải tập trung xem xét kỹ các vấn đề được coi là trọng tâm trong hoạt động xuất nhập khẩu và có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết gia nhập WTO...

Không quá lạc quan khi cho rằng năm 2006 đã thành công vượt bậc đối với ngành thương mại Việt Nam trên mọi phương diện. Minh chứng lớn nhất đó là sự kiện Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO sau 11 năm kiên trì đàm phán, việc này sẽ mở ra cơ hội tăng tốc phát triển kinh tế trong thời gian tới. Trước những diễn biến khó lường của thị trường thế giới, xuất khẩu vẫn đạt 39,6 tỷ USD, tăng 22,1% so năm 2005, vượt kế hoạch 4,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 20,9% so năm trước. Tỷ lệ nhập siêu giảm so kim ngạch xuất khẩu...

Nhiều mặt hàng xuất khẩu vượt kế hoạch

Số liệu thống kê của Bộ Thương mại cho thấy, có đến 17/20 mặt hàng xuất khẩu chính đạt mức tăng trưởng cao so năm 2005. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng cao nhất với 58,3% (đạt kim ngạch 1,273 tỷ USD); tiếp đến là cà phê 49,8% (đạt kim ngạch 1,101 tỷ USD); than đá 38,% (đạt kim ngạch 927 triệu USD); sản phẩm nhựa 36,6% (đạt kim ngạch 478 triệu USD); dây cáp và cáp điện 34% (kim ngạch đạt 701 triệu USD); hạt tiêu 26,7%; linh kiện điện tử và máy tính 24% (đạt kim ngạch 1,770 tỷ USD); thuỷ sản 22,8% (đạt kim ngạch 3,364 tỷ USD); sản phẩm gỗ 21,8% (đạt kim ngạch 1,904 tỷ USD); dệt may 19,9% (kim ngạch đạt 5,802 tỷ USD); giầy dép 16,9% (kim ngạch đạt 3,555 tỷ USD)... Điều đáng nói là nhiều mặt hàng xuất khẩu mới đã bắt đầu có kim ngạch khá lớn như tinh bột sắn (trên 170 triệu USD), thép và các sản phẩm từ thép (500 triệu USD), máy biến thế và động cơ điện (350 triệu USD).

Một số mặt hàng chủ lực vẫn giữ thứ hạng cao và có ảnh hưởng đến thị trường thế giới như gạo, cà phê (duy trì vị trí thứ 2 trên thế giới), hạt điều (đứng thứ 2 thế giới), hạt tiêu (đứng đầu thế giới). Đặc biệt, trong 17 mặt hàng có kim ngạch tăng so năm 2005 có đến 12 mặt hàng vượt kế hoạch xuất khẩu năm 2006, đó là thủy sản, rau quả, cao su, chè các loại, dầu thô, than đá, hàng dệt và may mặc, giày dép các loại, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, dây điện và cáp điện. Hơn nữa, năm 2006 đã có 9 nhóm mặt hàng gia nhập câu lạc bộ kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 3 nhóm hàng so với năm ngoái.

Mặt khác, thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng và gia tăng về tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu. Dẫn đầu trong số thị trường xuất khẩu có tốc độ và kim ngạch gia tăng mạnh nhất vẫn là thị trường Mỹ với kim ngạch ước đạt 8 tỷ USD; thị trường châu Âu là 7,647 tỷ USD trong đó các nước EU chiếm 6,8 tỷ USD; Nhật Bản: 5,2 tỷ USD; Trung Quốc 3,2 tỷ USD; khối ASEAN đạt 6,56 tỷ USD.

Nhập siêu giảm

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2006 ước đạt 44,41 tỷ USD. Trong đó các doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập khẩu 28,05 tỷ USD, chiếm 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tăng 20,2 % so cùng kỳ năm 2005; Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 16,36 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng KNNK của cả nước, tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2005.

Giá trị nhập siêu năm 2006 khoảng trên 4,8 tỷ USD (dự báo từ đầu năm là 4,750 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập siêu 4,650 tỷ USD, doanh nghiệp fdi nhập siêu 100 triệu USD), bằng 12,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo các chuyên gia, mặc dù giá trị nhập siêu tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu là 12,1%, thấp hơn nhiều so với năm 15,6% của năm 2005 và mức bình quân của giai đoạn 2001-2005 (khoảng 17,9%). Bên cạnh đó, giá trị nhập siêu năm 2006 phù hợp với những dự báo nêu tại Đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006-2010, giá trị này sẽ giảm dần vào những năm sau 2010.

Thị trường ổn định

Bộ Thương mại cho biết, ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội cả năm 2006 đạt 580.710 tỷ đồng, tăng 20,9% so năm 2005. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2006 tăng 6,6% (2005 tăng 8,4%, 2004 tăng 9,5%), trong đó lương thực tăng 14,1%; thực phẩm tăng 5,5%, các nhóm còn lại có mức tăng 3,5 - 6,2%, riêng bưu chính viễn thông giảm 2,9%. Tính riêng tháng 12/2006, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 0,5% so tháng 11/2006, trong đó nhóm lương thực có mức tăng cao nhất là 2,4%, các nhóm khác có mức tăng 0,1 - 0,8%, riêng nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,1%.

Việc ổn định thị trường nội địa và kiềm chế lạm phát ở mức thấp so với tốc độ tăng trưởng cũng được đánh giá là một trong những thành công lớn của nền kinh tế có sự đóng góp tích cực của ngành thương mại trong năm 2006. Theo nhận định của các chuyên gia, trong điều kiện thị trường thế giới biến động khá phức tạp như năm 2006, đặc biệt là ở nhiều mặt hàng thiết yếu là nguyên liệu đầu vào như dầu mỏ, sắt thép, phân bón… việc duy trì được tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng thực tế có thể coi là một kết quả hết sức có ý nghĩa của nền kinh tế nói chung và ngành thương mại nói riêng.

Hội nhập sâu rộng

Nhìn nhận sự thành công của ngành thương mại năm 2006 không thể không kể tới những thắng lợi to lớn trên mặt trận hội nhập. Với việc phối hợp tổ chức và hoàn thành tốt đẹp các sự kiện lớn liên tiếp về hội nhập kinh tế quốc tế như tổ sự thành công hội nghị thượng đỉnh APEC, kết thúc đàm phán và trở thành thành viên thứ 150 của WTO, ngành thương mại đã góp phần đã tạo ra vị thế mới cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tạo yếu tố tâm lý tích cực cả ở trong nước và ngoài nước, nâng đỡ hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam và mở ra một giai đoạn mới trong phát triển và đổi mới nền kinh tế theo trào lưu hội nhập.

Nhiệm vụ nặng nề

Bộ Thương mại dự kiến, xuất khẩu năm 2007 sẽ đạt 46,8 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2006. Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu theo mục tiêu đã được đề ra trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn 5 năm 2006-2010, trước mắt trong năm 2007, Bộ Thương mại sẽ phải tập trung xem xét kỹ các vấn đề được coi là trọng tâm trong hoạt động xuất nhập khẩu và có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết gia nhập WTO trong điều kiện Việt Nam bắt đầu là thành viên của tổ chức này từ năm 2007.

Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Thương mại), vấn đề đầu tiên sẽ được đặc biệt chú trọng là công tác điều phối và quản lý hoạt động xuất khẩu hàng dệt may. Bởi, đây được coi là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, có kim ngạch xuất khẩu lớn, vì vậy với việc xoá bỏ cơ chế hạn ngạch trong xuất khẩu hàng dệt may áp dụng cho các quốc gia thành viên WTO và đặc biệt là với việc Chính phủ Hoa Kỳ sẽ có biện pháp theo dõi chặt chẽ hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam, rất cần có những biện pháp xử lý chủ động ngay từ những tháng đầu năm 2007 để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành cũng như giảm thiểu các nguy cơ kiện tụng xảy ra đối với mặt hàng nhạy cảm này.

Vấn đề thứ hai là việc xử lý các hàng rào kỹ thuật và kiện chống bán phá giá được dự báo sẽ tăng mạnh khi Việt Nam gia nhập WTO. Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những vấn đề cơ bản đặt ra cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trước mắt và về lâu dài khi triển khai thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các cam kết trong khuôn khổ WTO là phải đảm bảo thực hiện tốt các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đối với hàng hoá xuất khẩu do các nước thành viên quy định. Trong đó, nhiều thành viên WTO đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ ngay lập tức các Hiệp định WTO như Hiệp định về Các biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch động thực vật (SPS). Các chuyên gia cho rằng, điều đó sẽ đặt ra những gánh nặng về tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, và để đáp ứng yêu cầu này, rất cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành và các doanh nghiệp trong việc đưa ra các biện pháp xử lý đồng bộ và có hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp.

Nhìn sang công tác điều hành thị trường trong nước. Theo Thứ trưởng Thương mại Phan Thế Ruệ, trong bối cảnh thực hiện các kết mở cửa thị trường trong nước thì yêu cầu lớn đặt ra hiện nay là phải tổ chức lại cho được một hệ thống kênh lưu thông phân phối hàng hoá đồng bộ, thông suốt đảm bảo ổn định thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cũng như phù hợp với lộ trình mở cửa theo cam kết. Trên cơ sở đó, công tác điều hành thị trường trong nước năm 2007 sẽ tiếp tục tập trung vào việc tổ chức và củng cố hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, phân bón, dược phẩm… nhằm đáp ứng mục tiêu vừa ổn định giá cả vừa nâng cao hiệu quả của thị trường trong nước, vừa đảm bảo thực hiện đúng các cam kết về mở cửa thị trường mà Việt Nam đã tham gia.

Mặt khác, bắt đầu từ năm 2007, một nhiệm vụ được coi là mới nhưng có tầm quan trọng của ngành thương mại trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập toàn diện vào nền kinh tế quốc tế là việc trực tiếp tham gia đàm phán hội nhập trên quy mô khu vực và quốc tế. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định "vào WTO không có nghĩa là hết đàm phán mà chỉ là sự khởi đầu". Theo đó, ở cấp độ khu vực, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đàm phán trong ASEAN bởi khu vực này càng ngày càng hội nhập sâu hơn, đồng thời bắt đầu từ tháng 1 năm 2007, sẽ khởi động đàm phán Hiệp định tự do Việt Nam – Nhật Bản và chuẩn bị tham gia vào việc trao đổi ý tưởng với các quốc gia trong khu vực về vấn đề đàm phán Hiệp định mậu dịch tự do giữa ASEAN và EU./.

 



(Nguồn tin: VOV)
Báo cáo phân tích thị trường