Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành liên quan điều hành xuất khẩu gạo năm 2007 dự kiến ở mức 4 - 4,5 triệu tấn gạo. Căn cứ vào tình hình sản xuất trong năm để điều chỉnh, nhưng ưu tiên xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và những hợp đồng có giá tốt… Chiều 15-1, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết: ^
Theo dự kiến, sản lượng lúa năm 2007 của cả nước đạt khoảng 36 triệu tấn, riêng khu vực ĐBSCL đạt khoảng 18,2 triệu tấn, trong đó vụ đông-xuân khoảng 8,8 - 9 triệu tấn, giảm so với năm 2006 khoảng 200.000 tấn.
Đó là con số ước lượng chung nhất, còn khi đi vào thực tiễn sản xuất của năm 2007 thì hiện chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá. Về cơ bản các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng xuống giống "né rầy" khá thành công.
Tuy nhiên, sang vụ hè-thu và vụ mùa cần thận trọng, bởi còn phụ thuộc vào dịch bệnh, lũ lụt… Do đó, chỉ tiêu 4 - 4,5 triệu tấn gạo xuất khẩu mà Chính phủ đưa ra là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên có thể tăng hoặc giảm tùy vào kết quả sản xuất.
- PV: Có thể nói, dịch bệnh ngày càng đe dọa đến mùa vụ, khiến cho sản lượng gạo xuất khẩu VN ngày càng giảm, nhiều người lo ngại tới đây sẽ tiếp tục giảm?
° Ông TRƯƠNG THANH PHONG: Thật ra dịch bệnh rất khó lường trước được thiệt hại. Năm 2005 chúng ta xuất khẩu trên 5,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch xấp xỉ 1,3 tỷ USD. Sang năm 2006, nhiều người cho rằng sản lượng sẽ đạt cao hơn, nhưng cuối cùng chỉ xuất đạt 4,7 triệu tấn, kim ngạch 1,290 tỷ USD.
Dù vậy, cần ghi nhận sản lượng giảm nhưng giá trị hạt gạo VN nâng lên một bước. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình trong năm 2006 cao hơn so với 2005 tới 7 USD/tấn. Từ đó thấy rằng, đã đến lúc cần phải định hướng lại mục tiêu xuất khẩu gạo theo hướng nâng cao giá trị chứ không chạy theo số lượng.
- Thưa ông, tình hình xuất khẩu gạo năm 2007 sẽ như thế nào, có thuận lợi cho gạo Việt Nam hay không?
° Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực thế giới, cung cầu gạo năm 2007 sẽ tiếp tục mất cân đối do nhiều nước tiếp tục mất mùa. Riêng thị trường gạo VN vẫn thuận lợi. Với số lượng gạo xuất khẩu dự kiến 4 - 4,5 triệu tấn, chúng ta sẽ ưu tiên cho một số thị trường tập trung, quy mô lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia, Cuba, đặc biệt là Nhật Bản.
Nếu như năm 2004, Việt Nam mới xuất sang Nhật 80.000 tấn gạo; năm 2005 là 120.000 tấn; năm 2006 khoảng 130.000 tấn; dự kiến năm nay sẽ là 150.000 - 170.000 tấn. Ngoài tăng dần số lượng, giá gạo xuất qua thị trường Nhật cũng rất cao, vì vậy chúng ta sẽ dành ưu tiên "số 1" cho thị trường này.
Trong tháng 1-2007, Việt Nam sẽ tham gia đấu thầu 500.000 tấn gạo ở thị trường Philippines. Còn Indonesia, chúng ta vừa tham gia đấu thầu vừa đàm phán ký hợp đồng giữa hai chính phủ. Malaysia tiếp tục ổn định, nhất là xuất khẩu gạo đặc sản, gạo thơm…
Về giá cả, căn cứ vào cuối năm 2006, giá gạo thế giới vẫn rất tốt, đây là tiền đề để trong năm 2007 giá lúa có thể ở mức 2.800 đồng/kg, cao hơn trung bình 200 đồng/kg so với 2006. Dự báo, xuất khẩu gạo năm 2007 đang thuận lợi cả 3 yếu tố: "Thị trường, nhu cầu và giá cả".
- Vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã cắt giảm 15 USD/tấn lúa trợ cấp giá thu mua cho nông dân, vấn đề này có ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu VN?
° Thật ra, thị trường xuất khẩu của VN và Thái Lan không "đụng" nhau, do đó việc Chính phủ Thái Lan cắt giảm trợ cấp giá thu mua cho nông dân cũng không ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu VN trong năm 2007. Giữa Hiệp hội Lương thực hai nước đã phối hợp rất tốt, chúng tôi đang điều phối xuất khẩu gạo khá hài hòa theo lợi ích của mỗi nước.
- Thưa ông, việc điều hành xuất khẩu gạo trong quý 1 những năm gần đây liên tục có vấn đề, các DN tranh mua, tranh bán, ký hợp đồng giá thấp khiến nông dân chịu thiệt. Năm nay thì sao thưa ông?
° Năm nay do chỉ tiêu xuất khẩu giảm nên việc xuất khẩu gạo sẽ ưu tiên cho các hợp đồng tập trung, hợp đồng cấp Chính phủ. Đến thời điểm này, đã có hợp đồng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo. Tới đây nếu trúng thầu ở Philippines sẽ thêm 500.000 tấn nữa.
Ngoài ra, nhiều thị trường khác còn khá lớn… Theo dự kiến, trong tháng 1 và tháng 2-2007, việc điều hành xuất khẩu gạo tập trung chủ yếu vào các hợp đồng đi Indonesia, Nhật, Cuba, Philippines, Malaysia… Đối với hợp đồng thương mại có thể từ tháng 3 trở đi mới tính đến. Điều đó cho thấy hoạt động xuất khẩu gạo năm nay sẽ được Chính phủ siết chặt hơn so với các năm trước.
- Vấn đề khiến nhiều người lo ngại là năm nay liệu có xảy ra tình trạng thiếu vốn, dẫn đến các DN bán hợp đồng "non" làm cơ sở vay ngân hàng?
° Ngay từ đầu năm 2007, các DN đã được phân chia lượng gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung. Do đó, DN sẽ có căn cứ vay vốn ngân hàng thu mua lúa cho nông dân. Hơn nữa, những tháng đầu năm 2007 các DN cũng không được giao dịch thương mại, nên tình trạng bán hợp đồng "non" giá thấp sẽ không xảy ra.
- Thưa ông, hiện tại một số tỉnh ĐBSCL bắt đầu thu hoạch lúa đông-xuân sớm, Hiệp hội chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên thu mua thế nào để có lợi cho dân?
° Đúng là một số nơi có thu hoạch nhưng chưa nhiều, dự kiến trong tháng 3 tới, các tỉnh ĐBSCL thu hoạch khoảng 3 triệu tấn lúa. Và tháng 4 thu hoạch thêm khoảng 4 triệu tấn nữa. Chúng tôi đang tính toán thu mua giá lúa xuất khẩu năm nay sẽ từ 2.800 đồng/kg trở lên, không để nông dân chịu thiệt.
Theo các DN xuất khẩu gạo, trong năm qua, giá lương thực ở ĐBSCL đã tăng lên mức rất cao trên 3.000 đồng/kg. Và hiện tại giá lúa gạo vẫn đứng ở mức cao. Trong vụ đông-xuân 2007 này, sẽ có 239.000 ha lúa chất lượng cao được các doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng trong dự án xây dựng 1 triệu tấn lúa chất lượng cao tại ĐBSCL. Giá thu mua sẽ cao hơn 80 - 100 đồng/kg so với giá lúa thị trường.