Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Lúa thu đông tan tành theo nước lũ
08 | 10 | 2011
Tất cả giống lúa chuẩn bị gieo sạ cho vụ đông xuân 2011-2012 đã lấy làm giống vụ 3 nhưng đã bị mất trắng, không biết lấy gì bù đắp cho vụ đông xuân.

Việc ồ ạt làm lúa vụ thu đông (lúa vụ 3) trong điều kiện đê bao không bảo đảm an toàn ở nhiều địa phương, đã làm hàng ngàn héc ta lúa thu đông của bà con nông dân bị thiệt hại hoàn toàn. Kéo theo là đời sống khó khăn của người nông dân khi đã trót đầu tư vào lúa vụ 3.

11 giờ trưa, sau khi trải qua hơn 100 km đường (khởi hành từ huyện Cai Lậy, Tiền Giang), chúng tôi cũng tìm đến được huyện Tân Hồng, Đồng Tháp - nơi vừa xảy ra 3 vụ vỡ đê bao liên tiếp, gây thiệt hại gần 2.000 héc ta lúa thu đông. Đó là cánh đồng bờ Nam- Bắc Cả Mũi và cánh đồng Cà Vàng của huyện Tân Hồng.

Những ngày này, nơi đâu ở huyện Tân Hồng cũng nghe bà con nông dân bàn tán chuyện vỡ bờ bao, cuộc sống của người nông dân sẽ như thế nào, khi 5-7 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch vụ lúa đông xuân 2011-2012.

Gánh nặng chồng chất

Sau gần một tuần kể từ ngày cánh đồng Cà Vàng thuộc xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp bị lũ nhấn chìm (đêm 2/10), bà con nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng vì toàn bộ tiền của đầu tư vào ruộng lúa bỗng chốc cuốn theo dòng nước trắng xóa.

Anh Trần Văn Toàn ở ấp Thị, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp nói: “Từ nay đến vụ lúa đông xuân tới, gia đình tôi (7 người) không biết phải xoay xở thế nào nữa đây? Bao nhiêu tiền lời kiếm được trong vụ lúa hè thu, tôi đầu tư vào 5,2 héc ta ruộng làm vụ 3, ai ngờ mất hết rồi!”.

Theo tính toán của anh Toàn, với 5,2 héc ta ruộng (hơn 30 ngày gieo sạ), anh đã đầu tư khoảng 25-30 triệu đồng, bao gồm tiền cày trục đất, giống, phân bón, thuốc phun xịt, nhân công...

Chị Trần Thị Huệ ở ấp Thị, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết: “Mất hết rồi chú ơi! Nợ nần chưa trả, không biết vụ đông xuân tới người ta (đại lý vật tư nông nghiệp) có chịu bán phân thuốc không nữa?”.

Bà con nông dân còn cho biết, bây giờ họ chỉ biết giăng câu, thả lưới kiếm thêm thu nhập đắp đổi cuộc sống qua ngày. Tất cả giống lúa chuẩn bị gieo sạ cho vụ đông xuân 2011-2012 đã lấy làm giống vụ 3 nhưng đã bị mất trắng, không biết lấy gì bù đắp cho vụ đông xuân.

Trước đó, vào ngày 28/9 hơn 500 héc ta lúa vụ 3 ở giai đoạn 30-35 ngày tuổi của cánh đồng Cả Mũi cũng bị lũ cuốn phăng. Tất cả vốn liếng đầu tư vào ruộng lúa của bà con cũng mất hết.

Ông Phùng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng cho biết: “Đợt vỡ đê bao vừa qua, toàn huyện Tân Hồng có 3 tuyến đê bao gồm bờ Nam - Bắc Cả Mũi và cánh đồng Cà Vàng bị vỡ làm 1.600 héc ta lúa thu đông mất trắng. Chỉ riêng lúa, ước tính thiệt hại ban đầu là 30 tỉ đồng”.

Tuy nhiên theo ông Hải, đó chỉ là con số do bà con khai báo với ngành nông nghiệp huyện, thực tế diện tích lúa thiệt hại lên đến 1.900 héc ta.

Dốc sức cứu lúa

Trong khi bà con nông dân ở 3 cánh đồng bờ Nam - Bắc Cả Mũi và Cà Vàng phải chạy ăn từng bữa vì tiền của mất trắng theo lũ thì hàng ngàn ngày công được huy động để bảo vệ cánh đồng 1.600 héc ta thuộc xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng.

Anh Nguyễn Hoàng Dũng ở ấp Gò Bối, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng cho biết: “Hơn 10 ngày nay, bất kể đêm hay ngày, ngày nào tôi cũng ở nơi đây cùng bà con nông dân và anh em bộ đội thay phiên canh đê, sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống xấu xảy ra”.

“Trong tổng số 3.000 héc ta diện tích lúa thu đông được mở rộng xuống giống năm nay thì xã Tân Hộ Cơ chiếm đến 50%, với 1.600 héc ta. Cũng chính vì vậy, nơi đây được tập trung nguồn nhân, vật lực nhiều nhất để bảo vệ đê”- ông Phùng Thanh Hải nói.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Chi Lăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, kiêm Phó thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện thừa nhận, 3 trong số 4 cánh đồng bị vỡ đê năm nay, toàn bộ là những tuyến đê bao mới vừa thi công, chân đê còn yếu. Tuy nhiên, vì muốn hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao nên huyện đành thực hiện.

Ông Lăng nói: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã huy động được 7.000 cây cừ tràm và bạch đàn đến để bảo vệ đê. Hơn mười ngày qua, mỗi ngày có khoảng 400-500 ngày công lao động đóng góp bảo vệ tuyến đê này”.

“So với mức nước lũ cao nhất đạt được trong ngày đầu tháng 10, hiện mực nước đã giảm 20-25cm. Nếu tình hình nước lũ diễn biến theo chiều hướng thuận lợi, tuyến đê bao xã Tân Hộ Cơ sẽ được bảo vệ thành công. Tuy nhiên, hiện lực lượng bộ đội, nhân dân hiện vẫn ngày đêm kiểm tra đê nhằm sẵn sàng ứng phó kịp thời”- ông Hải cho biết.

Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, tính đến ngày 6/10, khu vực ĐBSCL đã có 18 người chết do lũ. Nước lũ còn làm 30.591 căn nhà bị ngập; 6.073 héc ta lúa bị ngập thiệt hại hoàn toàn; 1.400 héc ta hoa màu và 1.352 héc ta nuôi trồng thủy sản bị ngập lũ.

Tại Đồng Tháp, nước lũ làm ngập 11.470 căn nhà, 54 căn nhà bị lũ cuốn trôi. Lũ cũng làm 4,75 km đường quốc lộ và tỉnh lộ bị ngập, hư hỏng; trên 718 km đường giao thông nông thôn và 35 cầu cống bị hư hỏng, gây thiệt hại hơn 310 tỷ đồng. Diện tích lúa thu đông bị lũ nhấn chìm, mất trắng 2.023 héc ta; 935 héc ta hoa màu và 3.475 héc ta cây ăn trái bị ngập lũ, trong đó, có 1.154 héc ta thiệt hại 100%; 433 héc ta nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi hoặc vỡ bờ bao, lưới chắn. UBND tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ 620 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Toàn tỉnh An Giang đã có 4 người chết, trên 22.740 m2 đất bị sạt lở, có 544 căn nhà phải di dời. Làm gần 3.900 héc ta lúa thu đông bị mất trắng, tập trong ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, An Phú và Tịnh Biên.

Theo Trung Chánh

TBKTSG

 

 

 



Báo cáo phân tích thị trường