Tỉnh đang triển khai đề án phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn dịch bệnh, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh nhằm xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn của Đồng Nai.
Hợp tác xã (HTX) dịch vụ chăn nuôi Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất) với hơn 50 trang trại tại huyện Thống Nhất vừa ký văn bản ghi nhớ cung cấp sản phẩm thịt lợn, gà cho Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN). Hiện hai bên đang thống nhất số lượng cung cấp lợn, gà hàng ngày cho phía VISSAN. Mục tiêu của việc ký kết nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, gà sạch cho thị trường phía Nam . Hiện lượng gà của các thành viên của HTX cung cấp ra thị trường từ 2.000 đến 3.000 con/ngày và từ 500 đến 700 con lợn thịt/ngày.
Ông Nguyễn Thanh Phi Long, một trong những chủ trang trại tiên phong ứng dụng mô hình chăn nuôi VietGAP tại Đồng Nai cho biết, hiện có khoảng 300.000 gà thịt ở các trang trại ở huyện Trảng Bom đã đạt chứng nhận VietGAP, chiếm 60% tổng đàn gà trong toàn huyện. Hiện toàn hệ thống trang trại đều đã ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn này với mục tiêu tổng đàn đều đạt chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, thời gian qua sản phẩm chăn nuôi ở các trang trại chủ yếu vẫn tiêu thụ tại các chợ truyền thống với mức giá bằng ngoài thị trường. Đây là lý do chính khiến người chăn nuôi ngại thực hiện VietGAP. Theo ông Long, quy trình chăn nuôi an toàn là xu thế tất yếu, để đáp ứng được nhu cầu này đòi hỏi người sản xuất phải tính bài toán chi phí để làm ra sản phẩm sạch với giá cạnh tranh.
Anh Long còn cho biết, hiện nay trang trại của anh đã hoàn chỉnh trong xây dựng chuỗi chăn nuôi thịt sạch, theo đó anh sẽ dán nhãn VietGAP cho sản phẩm của trang trại nhưng không phải để đưa hàng vào siêu thị bán với giá cao mà muốn mọi người, kể cả người bình dân vào chợ cũng không phải phân vân khi chọn mua thịt sạch.
Nguồn: mard.gov.vn