Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)
Hội thảo nhằm tổng kết những vấn đề nổi bật về bối cảnh vĩ mô, thương mại nông sản Việt Nam, cập nhật dự báo mới nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 và những năm tới. Đồng thời, trao đổi, thảo luận các giải pháp mang tính khả thi để phát triển 3 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, thủy sản và rau quả.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), hiện nay, bối cảnh thị trường quốc tế với ba vấn đề nổi cộm đang ảnh hưởng tới thương mại nông sản Việt Nam, gồm: các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng phụ thuộc lẫn nhau trong thương mại toàn cầu, đồng thời tập trung hơn vào phát triển thị trường nội địa. Các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ. Bối cảnh này ảnh hưởng đến việc duy trì tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, dự báo thị trường nông sản quốc tế trong năm 2017 và các năm tiếp theo, tiêu dùng nông sản toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị cao hơn; tăng trưởng tiêu dùng sẽ chậm lại so với thập kỷ trước. Giá nông sản thực tế có xu hướng giảm nhẹ trong dài hạn, tăng trưởng năng suất sẽ là động lực chính cho sản xuất cây lương thực và thức ăn chăn nuôi.
Trước bối cảnh trên, để tiếp tục tạo khả năng cạnh tranh, ngành nông nghiệp Việt Nam cần xác định lại động lực chính thúc đẩy phát triển, xác định vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt nam trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực; cơ cấu thị trường cho từng ngành hàng nông sản.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Kiên – Bộ môn Nghiên cứu thị trường và Ngành hàng (IPSARD) cũng chỉ rõ, đối với ngành hàng lúa gạo, xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới (Thái Lan, Ấn Độ) và các nước mới tham gia vào xuất khẩu gạo. Cùng với đó, các nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam áp dụng các chính sách hạn chế nhập khẩu gạo cũng như giá thực tế của lúa gạo có xu hướng giảm trong trung hạn. Điều này gây những khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Vì vậy, để phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững, cần xác định lại cơ cấu thị trường, các vùng chuyên canh, cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, nghiên cứu phát triển chế biến tinh, chế biến sâu và tận dụng phế phụ phẩm, đa dạng hóa sản phẩm từ lúa gạo.
Đối với ngành thủy sản, trước những thách thức do sự nổi lên của chính sách bảo hộ trên toàn cầu, biến đổi khí hậu, năng lực quản lý chuỗi giá trị, theo ông Nguyễn Trung Kiên, ngành thủy sản đang đòi hỏi toàn bộ các tác nhân trong ngành có tư duy bao trùm và vượt lên trên quy mô ngành nông nghiệp sản xuất thô.
Hội thảo cũng cập nhật diễn biến và đưa ra dự báo thị trường rau quả trong thời gian tới, qua đó, nhiều giải pháp đã được các đại biểu thảo luận nhằm mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho ngành hàng rau quả. Đồng thời, nêu ra định hướng phát triển, thu hút đầu tư và kết nối thương mại trong ngành hàng rau quả cho các đối tác./