Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm kinh doanh tại Trung Quốc: Góc nhìn của một nhà tổ chức triển lãm
03 | 01 | 2018
Giữa năm 2017, đại diện USDA tại thành phố Thẩm Dương Roseanne Freese đã phỏng vấn ông Cliff Wallace, chủ tịch Shenyang New World EXPO, công ty tổ chức địa điểm triển lãm mới nhất của Trung Quốc tại khu vực đông bắc, với diện tích không gian triển lãm rộng 24ha.

Không gian triển lãm này mở cửa tháng 9/2016 và đã tiếp đón hơn 7.000 đoàn tham dự một hội thảo quy hoạch đô thị quốc gia và đã liên tục tổ chức các triển lãm từ tháng 3/2017 đến nay. Ông Wallace có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý các không gian tổ chức hoạt động công cộng và 17 năm làm giám đốc điều hành Trung tâm triển lãm và hội thảo Hong Kong, 12 năm quản lý 2 không gian triển lãm lớn tại Trung Quốc đại lục, ông hiểu tầm quan trọng của thương mại tại Trung Quốc. Dưới đây là nội dung chi tiết buổi phỏng vấn ông Cliff Wallace.

RF: Hình thức triển lãm của Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng. Trước đây, các thành phố đều hướng đến Bắc Kinh để tổ chức các triển lãm – hội chợ và trong những năm 1990s, các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) trở thành những doanh nghiệp đầu tàu kiểm soát ngành triển lãm của Trung Quốc. Hiện, với sự phát triển của khu vực tư nhân lớn mạnh hơn và tăng cạnh tranh giữa các thành phố, thời gian và địa điểm tổ chức các hội chợ thương mại không còn dễ dự báo như trước đây. Ông mô tả thế nào về thực trạng hội chợ thương mại hiện nay tại Trung Quốc?

CW: Người Trung Quốc đang quan tâm lớn tới hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển ngành công nghiệp triển lãm và tổ chức các hội chợ thương mại cũng như hội nghị riêng lẻ hoặc trở thành các đối tác liên doanh với các tổ chức Trung Quốc. Trong nhiều năm, SOEs đã vận hành theo cách họ muốn. Họ lựa chọn địa điểm, thời gian và nhà tổ chức; và thậm chí còn hủy các hội chợ vì lợi ích riêng. Giờ đây, Trung Quốc đã nhận ra rằng chỉ riêng SÓE không thể đủ để định danh ngành triển lãm – hội chợ hoặc đảm bảo tăng trưởng tối đa cho ngành này. Tuy nhiên, người Mỹ đặc biệt sẽ không tham gia ngành, trừ khi họ nhận thấy tính ổn định, không có sự can thiệp mạnh từ chính phủ và quan trọng nhất, được đảm bảo rằng sẽ có những người mua thực tham gia hội chợ, trái ngược với hàng đoàn người tới thăm mà không quan tâm chút nào – ví dụ như đám đông đi trên đường. Hội đồng nhà nước Trung Quốc đã nhận ra vấn đề này và trong một danh sách các khuyến nghị toàn diện đã được công bố thành văn bản chính thức vào ngày 19/4/2015, theo đó thừa nhận: “Các vấn đề như cơ cấu không hợp lý, chính sách kém phát triển và khả năng cạnh tranh quốc tế yếu”. Tôi hoan nghênh sự thừa nhận này và những thách thức hiện hữu cho các cơ quan nhà nước và SOEs.

RF: Chúng tôi nhận thấy rằng văn bản chính sách này đã đưa ra một vài đề xuất cho Ủy ban Trung ương Đảng xem xét, bao gồm phi tập trung hóa quyền lực ra quyết định, xúc tiến thị trường, phát triển các cơ quan chuyên trách, phát triển một chuỗi ngành triển lãm, và tăng cường hợp tác quốc tế. Trong ngành triển lãm thế giới, điều này có ý nghĩa gì với ông?

CW: Hy vọng rằng điều này có nghĩa là lãnh đạo quốc gia muốn các thể chế và các tổ chức chuyên nghiệp của ngành, thay vì SOEs, sẽ có ảnh hưởng quyết định trong ngành này. Điều này rất quan trọng đối với các tổ chức quốc tế chuyên nghiệp và xóa bỏ sự can thiệp của chính phủ là chìa khóa cho sự tăng trưởng của ngành triển lãm – hội chợ.

RF: Đã hơn 2 năm kể từ ngày chính sách này được Hội đồng Nhà nước thông qua. Cho đến này thực trạng ngành đã có những tiến triển thế nào?

CW: Sự tương đồng ngày càng tăng giữa tham gia một triển lãm tại Trung Quốc và các địa điểm khác trên thế giới – nơi mà ngành này đã phát triển và vận hành dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Tôi lạc quan rằng khuynh hướng này sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, các công ty phải sẵn sàng cởi mở với những khác biệt về marketing, giấy phép, vấn đề an ninh, đạo đức công việc, các quyền tiếp cận, các quyền/quy trình tài chính, và những vấn đề liên quan như vậy sẽ tạo ra shock văn hóa trong giai đoạn tương tác ban đầu tại Trung Quốc. Một sự khác biệt lớn vẫn tồn tại là bản chất của người xem triển lãm, những người tham dự/người mua không được kiểm chứng chất lượng thông qua đăng ký hoặc kiểm soát ngay tại hội chợ. Đây cũng là yếu tố cần thiết để tối đa hóa chất lượng và số lượng những nhà triển lãm có giá trị.

RF: Ông có thể giải thích thêm rõ hơn?

CW: Các nhà tổ chức triển lãm Trung Quốc không có truyền thống lọc chọn những người tham dự triển lãm. Tất cả những gì ứng viên phải trình ra là một danh thiếp kinh doanh và tôi đã từng thấy nhiều hàng phô tô dạo chuyên sản xuất danh thiếp kinh doanh ngoài các không gian triển lãm, sẵn sàng in ra bất cứ cái tên, chức danh và công ty nào mà bạn muốn. Chỉ cần có vậy, bạn có thể vào đăng ký tham gia triển lãm. Tại Mỹ và Canada, những nhà tổ chức triển lãm khuyến khích đăng ký điện tử nhiều tháng trước khi triển lãm diễn ra và làm việc với các hội đồng/hiệp hội ngành để lựa chọn người tham dự triển lãm. Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu về những nhà giao dịch chuyên nghiệp cũng được xây dựng qua nhiều năm và liên tục được cập nhật cho đến nay.

RF: Quả đúng là trong nhiều hội chợ thương mại tôi tham dự tại các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, tôi nhìn thấy rất nhiều những người tham dự không chuyên. Điều này mang lại ấn tượng rằng các nhà tổ chức triển lãm và/hoặc những nhà triển lãm cho rằng số lượng quan trọng hơn chất lượng. Tuy nhiên, khi tôi tham gia triển lãm tại các thành phố nhỏ hơn, tôi nhận thấy cả nhà triển lãm lẫn người tham gia hội chợ đều chuyên nghiệp hơn. Ông có chú ý đến những điểm khác biệt nào khác giữa các triển lãm/hội chợ tại Mỹ và Trung Quốc?

CW: Có, trong hầu như tất cả các trường hợp, các hội chợ tổ chức tại Trung Quốc phải xin giấy phép. Mỹ không yêu cầu như vậy. Trong rất nhiều trường hợp, các hội chợ cũng là đối tượng của sự can thiệp và hoạt động an ninh bất hợp lý; trong khi tại Mỹ. các không gian triển lãm được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn ngành, không phải là đối tượng xin giấy phép. Một vấn đề thường gặp nữa là nếu công ty tổ chức triển lãm không bán hết không gian được cấp phép, họ sẽ có thể phải cho phép các công ty có sản phẩm/dịch vụ không phù hợp với chủ đề của triển lãm, ví dụ chỉ để nhà tổ chức thu đủ tiền cho thuê chỗ. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của những người bán hàng mang đến các sản phẩm giá rẻ và chiếm dụng triển lãm trở thành nơi thu hút khách hàng cho họ. Theo tinh thần của nghị định mới đây là các trường hợp cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt.

RF: Từ quan điểm của ông, vấn đề qua trọng nhất đang cản trở hoạt động kinh doanh triển lãm/hội chợ tại Trung Quốc là gì?

CW: Vấn đề quan trọng nhất là những rủi ro, thời gian và đầu tư gắn với đạt được ROI, chưa kể đến việc xác định công ty tổ chức chuyên nghiệp, đáng tin cậy để hợp tác. Ngoài ra, vấn đề quan trọng không kém là bảo vệ chủ đề triển lãm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ triển lãm.

RF: Ông có thể nói rõ hai vấn đề sau không?

CW: Tại Mỹ, luật quy định tiêu chuẩn ngành về sự tôn trọng lẫn nhau giữa những nhà tổ chức triển lãm và quản lý không gian triển lãm rằng thời gian hợp lý được đưa ra giữa các nhà tổ chức triển lãm có cùng chủ đề để tối thiể hóa việc cạnh tranh không cần thiết giữa các sự kiện. Đây là một quyết định kinh doanh dựa trên chủ đề và làm thế nào để thị trường trợ lực cho nhiều sự kiện có cùng chủ đề. Ví dụ, tại Hong Kong, một không gian triển lãm có thể hỗ trợ nhiều triển lãm trang sức, ngay cả trong cùng một thời điểm, nhu cầu ở đây vẫn được quyết định theo nhu cầu quốc tế, tổ chức đến 4 triển lãm trang sức cực lớn hàng năm. Tại các thị trường đại lục khác, trong phần lớn các trường hợp, sẽ là không khôn ngoan khi tổ chức hơn 2 hội chợ thường niên với cùng chủ đề trong vòng 4 – 6 tháng mỗi cái, trừ những chủ đề được ưa chuộng như ô tô và cưới hỏi. Nhu cầu thị trường phải được ngành tổ chức triển lãm theo dõi sát sao để thu hút đầu tư quốc tế. Tại Trung Quốc, sự tôn trọng đối với bảo vệ chủ đề triển lãm đang phát triển. Tuy nhiên, SOEs vẫn nắm quyền kiểm soát và rất cạnh tranh lẫn nhau. Để thu hút những người Mỹ với quan điểm kinh doanh cởi mở hơn, các tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế và các thực hành kinh doanh mang tính thị trường hơn phải được áp dụng.

RF: Tức là ông không chỉ thấy cách quản lý độc quyền của một khu vực cụ thể mà còn là tính độc quyền kinh doanh cả một ngành kinh doanh. Ông có nghĩ điều này sẽ thay đổi?

CW: Có, những thay đổi đang diễn ra nhưng tôi tin chắc rằng có một điều cần khẳng định với cả các nhà tổ chức chuyên nghiệp trong và ngoài Trung Quốc: Sự thay đổi cần diễn ra nhanh hơn!.

RF: Tất cả mọi người đều biết rằng Thượng Hải, Quảng Châu và Bắc Kinh là các thành phố tổ chức những hội chợ lớn nhất, tại sao các công ty Mỹ lại tiến tới tổ chức một hội chợ tại khu vực khác?

CW: Trung Quốc gần đây thông báo về nhóm “các thành phố loại 1 mới”, bao gồm Thẩm Dương cũng như các khu vực thương mại tự do mới, bao gồm Thẩm Dương – Đại Liên tại tỉnh Liêu Ninh. Ngoài ra, còn có các lý do khác khiến các công ty Mỹ nên cân nhắc tổ chức triển lãm/hội chợ theo vùng và địa phương. Thứ nhất, tại các khu vực này, cạnh tranh ít hơn với các nhà cung ứng nước ngoài khác. Thứ hai, cơ sở hạ tầng tại nhiều thành phố lớn và các thị trường triển lãm phát triển, như Thẩm Dương, có điều kiện tốt hơn nhiều. Ví dụ, sân bay gần hơn, đường xá và tiếp cận thị trường tốt hơn, chi phí tham gia triển lãm thường rẻ hơn. Các thành phố này cũng mang lại nhiều lợi ích khác như ô nhiễm không khí thấp hơn và có ít tranh chấp hơn so với các thành phố siêu lớn.

Theo FAS USDA (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường