Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng trong 05 thành phần kinh tế đã được Đảng và Nhà nước xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong những năm qua, cùng với doanh nghiệp nói chung, hợp tác xã là một chủ thể quan trọng, được coi là thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình, để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến. Qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cả nước có khoảng 19.569 hợp tác xã, giai đoạn 2013-2016, đã có 5.641 hợp tác xã thành lập mới; đến nay đã có 30% số hợp tác xã trên cả nước hoạt động có hiệu quả, doanh thu và thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước trong 05 năm qua trên 4%, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các cơ chế chính sách ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với khu vực này còn hạn chế và hơn hết là bản thân các hợp tác xã vẫn còn yếu kém kéo dài, cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý; các hợp tác xã còn bộc lộ tính không đồng bộ giữa mục tiêu và nội dung hoạt động kinh tế - xã hội...
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế của thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 trong giai đoạn vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương trong giai đoạn 2018-2020 tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về pháp luật hợp tác xã cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ Luật Hợp tác xã năm 2012; vai trò và lợi ích của tổ chức hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về hợp tác xã, mở các chuyên san, chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã, xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về hợp tác xã.
Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong Luật Hợp tác xã; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật Hợp tác xã 2012 (như công nợ, tỷ lệ vốn góp, thủ tục giải thể bắt buộc, chế tài xử lý vi phạm Luật...) cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển; chỉ đạo, hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp hợp tác xã không đăng ký và tổ chức lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012; các hợp tác xã giải thể nhưng vướng mắc về công nợ, vốn góp, không để các hợp tác xã tồn tại hình thức.
Đồng thời, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển Hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường chỉ đạo, thực hiện xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, từng bước khẳng định kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Cùng với đó, tăng cường, đẩy mạnh việc quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; củng cố, thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã các cấp từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện); kiện toàn quỹ hỗ trợ hợp tác xã từ trung ương đến địa phương; bổ sung vốn điều lệ cho quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở trung ương; xây dựng mô hình thí điểm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Nông nghiệp Việt Nam