Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm mới hợp tác xã
08 | 12 | 2008
Không thể để tàn dư của HTX kiểu cũ gây tác dụng tiêu cực tới sự phát triển của những HTX kiểu mới.
Tổ hợp tác (THT) do nông dân thành lập một cách tự nguyện, không cần có sự vận động và hỗ trợ tốn kém của Nhà nước, lại hoạt động có hiệu quả hơn nhiều các HTX được thành lập theo luật HTX. Các THT tự phát như vậy cũng rất gần gũi với bản chất của kinh tế hợp tác, vốn khá phổ biến ở các nước phát triển.

Hướng đổi mới các HTX ở Việt Nam trong thời gian tới cần theo đúng bản chất của HTX mà Liên minh HTX quốc tế và Tổ chức Lao động quốc tế đã khuyến cáo. Đó là: “HTX là tổ chức tự chủ của các cá nhân liên kết với nhau một cách tự nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyên vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hoá, thông qua một doanh nghiệp được sở hữu chung và được kiểm soát một cách dân chủ”.

Đặc trưng của mô hình HTX kiểu mới

HTX kiểu mới là mô hình đồng sở hữu, đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, hay gọi tắt là HTX tiêu dùng. Mô hình này có một số đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, xã viên, có hoạt động kinh tế về cơ bản giống nhau, xác định nhu cầu chung thể hiện trong một hoặc một số sản phẩm, dịch vụ trong hoạt động kinh tế của mình, cần được thoả mãn thông qua HTX, với hiệu quả cao hơn so với từng xã viên tự đáp ứng. Như vậy, ngành nghề kinh doanh cụ thể của HTX bao giờ cũng được xác định rõ, cụ thể và thống nhất giữa tất cả xã viên trước khi HTX được thành lập và hoạt động.

Sau khi đã xác định rõ nhu cầu này, xã viên phải góp vốn vào HTX để thực hiện phương án thoả mãn nhu cầu chung đó. Theo ông Hoàng Ngọc Vĩnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, với tư cách là người góp vốn, tất cả xã viên HTX là chủ sở hữu HTX: “Nên đổi mới mô hình HTX nông nghiệp bằng cách hình thành 1 HTX thực sự là của các xã viên. Khi đó, họ sẽ cùng nhau bàn bạc, cùng nhau xây dựng, cùng nhau chia sẻ rủi ro, cùng nhau hưởng lợi ích. Tự nguyện viết đơn chưa đủ. Tự nguyện là tự nguyện góp vốn theo phương thức sản xuất kinh doanh, để rồi được bàn bạc một cách dân chủ, thảo luận 1 cách công khai. Ba người dứt khoát hơn một người. Chứ cứ để như hiện nay, người ta dựa hoàn toàn vào ban Quản trị, mà Ban quản trị không thể đủ năng lực nếu không có sức hỗ trợ của các xã viên của mình.”

Thứ hai, xã viên sau khi ra nhập HTX phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, theo đó HTX và xã viên là khách hàng của nhau. Với tư cách là khách hàng của HTX, xã viên được hưởng lợi kép: một là được hưởng hiệu quả từ việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm của HTX; hai là, được hưởng lợi từ việc sử dụng (mua hoặc bán) sản phẩm, dịch vụ của HTX. Trong đó, việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của HTX. Ở Nhật Bản, trong một năm, nếu xã viên không sử dụng dịch vụ, sản phẩm của HTX sẽ bị khai trừ ra khỏi HTX.

Ông Ivano Barbarini, Chủ tịch Liên minh HTX quốc tế phân tích: “HTX không phải nhằm mục đích mang lại tiền mà nhằm mang lại sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, để có được giá tốt nhất. Đó là lý do tại sao những người tiêu dùng liên kết lại với nhau. Khi đó, sẽ không có sự xung đột hay đối lập giữa người sở hữu và người tiêu dùng. HTX được sử dụng để tạo ra dịch vụ, và còn được sử dụng để tạo ra việc làm. Sản phẩm chính của HTX là dịch vụ.”

Vấn đề đặt ra là, ngoài việc giao dịch với xã viên, HTX có được cung cấp dịch vụ, sản phẩm đó cho thị trường ngoài HTX? Ở mỗi nước lại có quan điểm và giải pháp khác nhau. TS. Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Có nước, theo truyền thống lâu đời, người ta cấm không cho HTX cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra ngoài, vì e rằng khi cung cấp quá nhiều ra ngoài thì dần dần HTX sẽ không còn mang bản chất HTX mà sẽ chuyển thành doanh nghiệp. Nhưng có nước linh hoạt hơn, cho phép HTX cung cấp một cách có giới hạn. Ví dụ như ở Pháp, cho phép cung cấp 20% doanh số ra thị trường bên ngoài. Nhưng cũng có nước, do tính đặc thù họ cho phép cung cấp ra thị trường bên ngoài không giới hạn, ví dụ như ở Singapore, một quốc gia có hơn 3 triệu dân. Như vậy, quy định cụ thể như thế nào tuỳ thuộc vào tình hình mỗi nước”.

Do mỗi xã viên đều là người chủ sở hữu và đều là khách hàng của HTX, nên nguyên tắc quản lý HTX là dân chủ, mỗi xã viên có một phiếu biểu quyết như nhau không phụ thuộc vào số lượng góp vốn. Theo TS. Chu Tiến Quang, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Có thể trước khi vào HTX chỉ cần một lượng vốn rất nhỏ, để tạo ra việc làm cần thiết và tự bảo vệ nhau là chính, để khỏi bị các lực lượng kinh tế khác chèn ép. Mục tiêu ấy là quan trọng, chứ không phải làm thật nhiều tiền mới là quan trọng. Muốn thực hiện được điều đó, xã viên phải được tham gia sinh hoạt, phải ra quyết định cuối cùng về những vấn đề quan trọng nhất của HTX, như vấn đề kinh doanh, đầu tư vào cái gì, và phân phối lợi ích ra sao.”

Thứ ba, phân phối lợi ích trong HTX được thực hiện trên cơ sở đóng góp của xã viên, trong đó có 2 đóng góp chủ yếu là: đóng góp về vốn và đóng góp về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX. Rõ ràng, những đóng góp này là điều kiện quyết định cho sự tồn tại của HTX. Xã viên phải được hưởng lợi ích xứng đáng từ đó. Đây chính là sự hấp dẫn thực chất với các xã viên.

Trình độ cao của HTX

Theo ông Ivano Barbarini, Chủ tịch Liên minh HTX quốc tế, khi đã phát triển ở trình độ cao còn có những hình thức liên kết các tổ chức hợp tác theo kiểu liên vùng, liên ngành, ở qui mô quốc gia, với tên gọi là các Liên đoàn kinh tế. Đây là HTX của các HTX, ra đời vừa là một thể chế bổ trợ, vừa là thể chế hợp tác bao trùm lên của các HTX. Các Liên đoàn này chuyên hoạt động trên một lĩnh vực nhất định: “Đó chính là phương thức mà liên minh HTX quốc tế mong muốn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, sự thành công của các HTX không phụ thuộc vào quy mô của HTX, nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt trong những ngành cạnh tranh cao thì cần phát huy lợi ích kinh tế nhờ lợi thế về quy mô để giảm chi phí. Lúc đó, quy mô của HTX cần được mở rộng, và cần đến việc thiết lập các liên minh hay liên đoàn. Ví dụ như: Liên đoàn cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp; Liên đoàn chế biến và tiêu thụ nông sản; Liên đoàn tín dụng nông nghiệp…”

Hãy lấy ví dụ đối với Liên đoàn cung ứng. Liên đoàn này có nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp của xã viên, được tổ chức theo một hệ thống, thống nhất từ HTX cơ sở đến cấp quốc gia. Xã viên HTX đặt nhu cầu sản phẩm, dịch vụ lên HTX; HTX lại đặt hàng qua liên đoàn cấp huyện hoặc tỉnh lên đến Liên đoàn cấp quốc gia; Liên đoàn cấp quốc gia tổng hợp nhu cầu, đàm phán và ký hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp. Hoạt động này giúp cho các HTX có quy mô nhỏ trực tiếp giao dịch với các nhà cung cấp lớn về các loại vật tư, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đó, góp phần làm giảm chi phí giao dịch, giảm rủi ro thị trường, giảm sự cạnh tranh giữa các HTX nông nghiệp và giữa hàng triệu xã viên khác nhau.

Liên đoàn cung ứng có thể mua đứt toàn bộ, hoặc mua cổ phần chủ yếu của các nhà cung cấp. Khi đó, xã viên là chủ sở hữu các cơ sở sản xuất sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho sản xuất của mình. Lợi ích của nông dân, của xã viên được bảo vệ, lợi nhuận của họ sẽ tăng lên, sản xuất xã hội được tối ưu, giảm được nhiều chi phí trung gian.

Đối với Liên đoàn chế biến và tiêu thụ: Thông qua tổ chức này, sản phẩm của xã viên HTX nông nghiệp thay vì được tiêu thụ đơn độc, nhỏ lẻ, sẽ được tổ chức tiêu thụ theo một hệ thống có quy mô toàn quốc. Các liên đoàn kinh tế có thể sở hữu các nhà máy chế biến nông lâm sản mà nguyên liệu đầu vào do xã viên cung cấp. Nhờ vậy, xã viên nông dân được gắn kết chặt chẽ với công nghiệp - thương mại, được chia sẻ lợi ích trong tiêu thụ nông sản. Đây là mô hình có thể giải quyết được căn bệnh kinh niên của nông nghiệp là mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa nông dân vùng nguyên liệu với các doanh nghiệp chế biến.

Thực tế cho thấy, những mô hình nói trên đang rất thành công ở các nền kinh tế Đông Á như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc... Ở Đài Loan hiện nay, gần 60% các chợ buôn bán nông sản do các hình thức kinh tế hợp tác của nông dân tổ chức. Còn ở Nhật Bản, HTX nông nghiệp là kênh tiêu thụ nông sản chính, với 90% lúa gạo; trên 50% rau, hoa quả, sữa tươi… Nông dân nước này cũng chủ yếu mua hàng qua HTX, như phân bón tới 95%, hoá chất nông nghiệp 70%.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nêu ví dụ: “Ở Hàn Quốc, trong các nhà máy sản xuất phân bón lớn nhất, các HTX nắm cổ phần chi phối. Việc kinh doanh đầu vào không mang tính chất lợi nhuận, mà thuần tuý là đảm bảo an toàn và chất lượng cho sản xuất. Người nông dân hoàn toàn yên tâm đối với đầu vào. Thứ 2 là đầu ra, nếu cứ để giữa thị trường với nông dân là một biển với hàng vạn tư thương như hiện nay thì không bao giờ nông dân nắm bắt được thị trường, không bao giờ có thể cạnh tranh có kết quả với những người buôn bán lớn. Chỉ trong trường hợp bản thân hệ thống ấy là của nông dân, lúc đó, nông dân mới thực sự có vị thể để đàm phán, ký kết hợp đồng một cách xằng phẳng. Ở một số nước, họ thay hệ thống thương nhân này bằng hệ thống tiếp thị tổ chức một cách bài bản, ví như các siêu thị lớn”.

Đã đến lúc phải triệt để làm mới HTX

Với Việt Nam, đã đến lúc cần phải làm mới HTX một cách kiên quyết và triệt để hơn. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Trung ương những vấn đề sau: Một là, chấn chỉnh lại nhận thức về bản chất, mô hình HTX. Làm rõ lợi ích và lợi thế của HTX sẽ tạo động lực cho xã viên, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tự giác thành lập HTX. Hai là, sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2003 theo những tiêu chuẩn phổ biến trên thế giới, có tính tới điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhưng không làm thay đổi bản chất HTX. Ba là, tổ chức lại các HTX hiện có theo đúng bản chất HTX. Những đơn vị không thể tổ chức lại theo đúng đặc trưng bản chất HTX thì chuyển đổi thành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Những HTX kiểu cũ đã chuyển đổi nhưng không hoạt động thì tiến hành giải thể.

Không thể để tàn dư của HTX kiểu cũ gây tác dụng tiêu cực tới sự phát triển của những HTX kiểu mới. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng: “Tôi khẳng định: Nếu không gắn phát triển HTX hay THT với doanh nghiệp thì chúng ta sẽ thất bại. Tôi đã đến Lâm Đồng làm việc với một số HTX. Đây là những HTX thực sự họ tốt thật, như lý thuyết mình mong muốn. Mấy chủ kinh tế hộ có nhu cầu đã lập 1 HTX. Có nơi họ sản xuất thức ăn gia súc, có chỗ họ nuôi gà, có nơi chế biến trứng… tức là họ trở thành những đơn vị rất chuyên sâu về một lĩnh vực để có sản phẩm cuối cùng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là tổ chức cuối cùng mà mọi nông dân rất cần”.

Tổ chức HTX khi phát triển sâu rộng, thu hút đại bộ phận nông dân tham gia sẽ phát huy giá trị cao đẹp của mình lan toả ra toàn xã hội, thực sự góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, bình đẳng, dân chủ và cùng chia sẻ sự thịnh vượng, rất phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta.



Nguồn: vovnews
Báo cáo phân tích thị trường