Vân Nội là một trong những xã sản xuất rau theo mô hình rau an toàn khá sớm ở khu vực phía Bắc. Năm 2006, toàn xã gieo trồng được 119 ha rau an toàn, giá trị sản xuất đất nông nghiệp ước đạt 64,5 triệu đồng/ha/năm. Trước đây, rau Vân Nội chỉ được đưa vào tiêu thụ ở vùng ven nội thành, vận chuyển bằng xe thồ bán lẻ, nhưng giờ đây hoạt động tiêu thụ rau an toàn tại Vân Nội được thực hiện bởi hầu hết các hợp tác xã.
Vân Nội hiện có 12 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, với quy mô khoảng 8 – 15 xã viên/1 HTX, cùng nhau góp vốn để sản xuất, kinh doanh. Ban quản trị HTX chịu trách nhiệm tìm kiếm thị trường và đầu ra cho sản phẩm,chỉ đạo và định hướng sản xuất sản xuất cho xã viên.
Trồng rau ở Vân Nội
Điều đặc biệt ở đây là mỗi hộ nông dân đều góp cổ phần ban đầu, khoảng 4-5 triệu để tham gia hợp tác xã. Số tiền này được ban quản trị sử dụng để tìm kiếm thị trường, xây dựng hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn. Khi hợp tác xã mở thêm các đại lý bán lẻ, xã viên phải đóng góp trung bình khoảng 200.000đ/hộ cho 01 đại lý. Đồng thời, xã viên được chia cổ tức mỗi năm dựa trên kết qu ả hoạt động sản xuất kinh doanh và căn cứ vào số cổ phần nắm giữ. Xã viên làm nhiệm vụ sản xuất, đến ngày thu hoạch họ báo cho hợp tác xã. Nếu hợp tác xã không thu mua, hoặc thu mua không kịp, họ hoàn toàn có quyền bán sản phẩm cho tư thương đồng thời yêu cầu ban quản trị phải bồi thường hợp đồng kinh tế đã ký.
Các hộ xã viên sản xuất theo sự hướng dẫn, kiểm tra và giám sát của hợp tác xã từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thu hoạch...đảm bảo chất lượng rau phải tuyệt đối an toàn và có nguồn gốc rõ ràng. Trong hợp đồng thu mua giữa xã viên với hợp tác xã quy định về trách nhiệm của xã viên đối với sản phẩm rau của mình khi có sự cố. Xã viên được hưởng chế độ giá thu mua tối thiểu bằng giá thị trường và hợp tác xã có trách nhiệm thu mua toàn bộ sản lượng rau quy định trong hợp đồng đã ký. Số tiền này được tính vào cổ phần của xã viên trong hợp tác xã.
Tuỳ vào năng lực kinh doanh của mỗi hợp tác xã, bên cạnh việc thu mua đảm bảo 100% theo hợp đồng đối với các xã viên, HTX có thể mua thêm hàng bên ngoài. Tuy nhiên, ở Vân Nội, không có tình trạng hợp tác xã ép giá xã viên, và khi giá lên cao, kh ông có tình trạng xã viên không bán rau cho hợp tác xã. Để có được sự đồng thuận v ững bền này, ngoài việc đảm bảo giá thu mua nông sản cho xã viên cao hơn giá thị trường hoặc tối thiểu bằng giá thị trường, các HTX ở đây còn liên kết giữa các hợp tác xã. Khi một hợp tác xã nhận được đơn đặt hàng từ phía đối tác mà mức sản xuất của xã viên mình không đáp ứng được nhu cầu về lượng, họ đặt vấn đề thu mua nông sản với ban quản trị hợp tác xã khác. Nếu được chấp nhận, họ tiến hành thu mua trực tiếp đối với các xã viên theo mức giá thoả thuận nội bộ của xã viên và hợp tác xã liên kết.
Quan hệ giữa xã viên và hợp tác xã không chỉ liên kết đơn thuần về mặt kinh tế bằng hợp đồng, mà còn có sự trao đổi thường xuyên về thông tin sản xuất, tiêu thụ, thị trường. Các quyết định quan trọng xã viên đều được tham gia dựa trên nguyên tắc biểu quyết, lấy ý kiến đa số. Nhân dịp lễ, tết hàng năm, hợp tác xã cũng dành một khoản kinh phí nhất định để quan tâm, chăm lo tới đời sống của các hộ xã viên nhằm động viên tinh thần, thắt chặt tình đoàn kết và đồng thuận trong hợp tác xã. Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng tạo nên sự thành công cho những mô hình hợp tác xã và góp phần đảm bảo cho việc triển khai thực hiện hợp đồng nông sản.
Để đảm bảo chính sách giá tốt nhất cho các xã viên, ban quản trị các hợp tác xã bắt buộc phải chú trọng xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. Việc xây dựng thương hiệu hết sức quan trọng, nó quyết định đến giá thành sản phẩm rau an toàn. Chính sách giá đối với sản phẩm rau an toàn phải làm sao vừa đảm bảo mức giá thu mua cao hơn so với giá rau trên thị trường tự do và đồng thời mức giá đó được thị trường chấp nhận.
Liên hệ với tác giả bài viết: Phạm Văn Hanh - Email: phamvanhanh@agro.gov.vn
http://www.cpv.org.vn/tiengviet/kinhte/details.aspx?topic=5&subtopic=11&leader_topic=85&id=BT12100752087