Nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho trái cây của Tỉnh Trà Vinh và được hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ, Liên minh hợp tác xã, Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh đã hoàn tất các thủ tục đề nghị Công ty Sở hữu công nghiệp (Investip) thuộc Bộ Khoa học Công nghệ công nhận nhãn hiệu hàng hoá đối với ba mặt hàng trái cây của tỉnh gồm xoài Châu Nghệ của hợp tác xã xoài Châu Nghệ, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long; quýt đường Thuận Phú của hợp tác xã Thuận Phú, ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long và măng cụt Tân Thành của hợp tác xã Tân Thành, ấp Tân Qui, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè.
Ở Huyện Cầu Kè nơi có diện tích vườn cây ăn trái chiếm hơn 1/3 diện tích của tỉnh Trà Vinh. Những năm trước đây, nhà vườn Cầu Kè luôn nằm trong vòng luẩn quẩn, khi thì đốn bỏ, khi thì trồng mới, còn nay thì nhà vườn nơi đây đã hình thành được một vùng cây ăn trái với nhiều loại cây đặc sản. Huyện Cầu Kè có gần 21.000 ha đất nông nghiệp, thì trong đó đã có trên 7.200 ha vườn với những loại cây như: măng cụt, sầu riêng, dừa sáp, bưởi Năm Roi, cam sành...
Ông Ngô Thanh Xuân, Phó Phòng Nông nghiệp, Thủy sản huyện Cầu Kè cho biết, hiện nay huyện có hơn 250 ha trồng măng cụt với trên 50.000 gốc, trong đó có khoảng 30% diện tích đang cho trái. Với số diện tích đang cho trái, hàng năm nhà vườn thu về trên 12 tỉ đồng. Trước đây, cũng có một vài đơn vị đến tận nhà vườn đặt vấn đề hợp đồng thu mua sản phẩm, nhưng nhà vườn không thể nhận lời, vì chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, mùa vụ. Từ cuối năm 2005, huyện Cầu Kè đã thành lập được Hợp tác xã trồng măng cụt, với 31 thành viên, có diện tích 30 ha... để tiến tới đứng ra ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm với số lượng lớn cho thị trường. Hợp tác xã măng cụt Tân Thành đã được thành lập 2 năm, tạo điều kiện liên kết những nhà vườn ở Tân Qui- Huyện Cầu Kè - Tỉnh Trà Vinh, hình thành những khu vườn cây ăn trái có quy trình kỹ thuật chăm sóc, đạt tiêu chuẩn trái cây sạch, an toàn và chất lượng. Hiện nay mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường trên 250 tấn trái. Điều đáng phấn khởi là từ khi thực hiện kiên kết trong hợp tác xã, giá trị của sản phẩm trái măng cụt đã tăng lên. Mỗi năm thương lái hợp đồng mua 100 tấn, chiếm 45% sản lượng măng cụt của hợp tác xã. Vườn măng cụt của xã viên đạt mức thu nhập bình quân là 70 triệu đồng/ha. Mặt ưu điểm thứ 2 là hợp tác xã măng cụt Tân Thành đã chính thức là thành viên GAP- Sông Tiền (Sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn Quốc tế) gồm 7 tỉnh, thành phố tham gia. đây cũng là điều kiện để đưa thương hiệu măng cụt Tân Thành vươn xa hơn. Ông Đỗ Văn Tài, Chủ nhiệm hợp tác xã măng cụt Tân Thành cho biết: đã có thêm nhiều nông dân trồng vườn tham gia hợp tác xã măng cụt, sau khi hợp tác xã đăng ký thương hiệu măng cụt Tân Thành. Do đặc điểm cây măng cụt có thời gian trồng đến thu hoạch khá dài, từ 7 năm đến 8 năm mới cho trái, sau 15 năm thì năng suất thu hoạch mới ổn định ở mức từ 6 tấn đến 7 tấn trái/ha. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho cây măng cụt Tân Thành ngay từ bây giờ là bước chuẩn bị thích hợp trong quá trình hội nhập của trái cây nơi đây.
Xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh hiện có 900 ha vườn cây ăn trái, trong đó chủ yếu là trồng xoài Châu Nghệ (gần 400 ha), trong đó có gần 300 ha xoài đang cho trái, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt gần 3.000 tấn. Đặc điểm của xoài Châu Nghệ là trái to, ngon ngọt, trọng lượng đạt bình quân 0,5 kg/trái, thời gian qua đã được nhiều thương lái đến thu mua để xuất khẩu, từ đó giá trị của xoài đã từ thấp hơn các loại xoài khác đã vươn lên đạt giá cao nhất trong mùa xoài năm 2006. Ông Phạm Văn Khoa, Chủ nhiệm hợp tác xã xoài Châu Nghệ cho biết: hiện nay ngoài diện tích xoài của xã viên tại ấp Dừa Đỏ 3, hợp tác xã đã phát triển được 3 tổ hợp tác sản xuất với 100 tổ viên, đảm nhận quản lý diện tích xoài trên 120 ha và đang mở rộng thêm tổ hợp tác ở ấp Hội Giản với 25 tổ viên, có 20 ha xoài đang cho trái. Mục tiêu mở rộng của hợp tác xã nhằm tăng cường quy mô sản xuất và cung ứng sản phẩm xoài Châu Võ, theo định hướng đã đăng ký độc quyền sản phẩm xoài Châu Nghệ, xây dựng thương hiệu xoài trên thị trường trong và ngoài nước. Hợp tác xã đã có những bước chuẩn bị tích cực như liên hệ với Viện cây ăn trái miền Nam, cùng các chuyên gia Úc, Nhật Bản, Đài Loan... để tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới, cho cây xoài ra hoa, đậu trái mùa nghịch, tạo điều kiện cho xã viên có điều kiện tăng sản lượng và chất lượng trái xoài theo tiêu chuẩn cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và khẳng định cho thương hiệu của xoài Châu Nghệ.
Anh Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm hợp tác xã trồng quýt đường Thuận Phú, ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long cho biết, các xã viên đã thành công trong việc xử lý kỹ thuật cho ra trái muộn vào những dịp thị trường cần như Tết Nguyên Đán. Đặc điểm nổi tiếng của quýt đường Thuận Phú là trái quýt to, vỏ mỏng, quýt có hương vị ngọt đậm đà... nên đã được chọn là một trong 3 loại trái cây của tỉnh đăng ký nhản hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho cây quýt đường, chuẩn bị cho hội nhập./.
(Nguồn tin: TTXVN)