Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cao Bằng: chưa khai thác lợi thế phát triển cây ăn quả
11 | 08 | 2007
Với hơn 11.000 ha đất có khả năng chuyển đổi thành vùng trồng cây ăn quả nhưng hiện nay diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh Cao Bằng mới đạt 2.800 ha, trong đó có trên 500 ha cây dẻ, trên 300 ha cây có múi, 332 ha nhãn. Năng suất các loại cây ăn quả chỉ đạt khoảng 50 tạ/ha.

Nhìn chung, diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh Cao Bằng đều nhỏ lẻ, manh mún, chăm sóc theo phương thức quảng canh, hiệu quả kinh tế thấp. Đặc biệt một số giống cây ăn quả đặc thù của tỉnh như: cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, lê Bảo Lạc... đang thoái hoá rất mạnh, bị nhiễm bệnh greening, có nguy cơ tàn lụi dần nếu không có biện pháp bảo vệ nguồn gen gốc kịp thời. Nguyên nhân của tình trạng này do công tác khuyến nông - khuyến lâm còn nhiều hạn chế, quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung chưa rõ ràng. Mặc dù dự án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2001 đến 2010 đã được triển khai từ lâu với mức đầu tư từ 600 đến 700 triệu đồng/năm nhưng hiệu quả thấp, chưa tạo ra cơ sở áp dụng đại trà. Dự án lồng ghép phát triển cây dẻ ăn quả do thiếu kiểm tra giám sát cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ thích hợp làm cho người dân không thiết tha với việc phát triển loại cây ăn quả này. Thêm vào đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong nhân giống, sản xuất giống, phòng trừ dịch bệnh... cho các loại cây ăn quả thế mạnh chưa được chú trọng. Tháo gỡ các khó khăn này, trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng tập trung hỗ trợ vốn, giống, giúp đồng bào xây dựng vùng chuyên canh cây quýt khoảng 300 ha tại huyện Hoà An và Trà Lĩnh, vùng dẻ ăn quả trên 1000 ha tại huyện Trùng Khánh, vùng lê 2000 ha tại các huyện: Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, Hà Quảng. Công ty cổ phần giống cây trồng nông lâm nghiệp Cao Bằng (đơn vị chủ đầu tư Dự án phát triển cây ăn quả trên địa bàn) còn tiến hành việc nhân rộng mô hình thâm canh giống bưởi Quảng Đông ở huyện Hoà An, Phục Hoà và thị xã Cao Bằng với diện tích từ 500 đến 1000 ha, đồng thời tiến hành đăng ký thương hiệu mới sau khi lai tạo, phát triển thành giống bưởi mang hương vị đặc trưng của địa phương./.

(Nguon tin: TTXVN)



Báo cáo phân tích thị trường